Câu chuyện đằng sau quyết định áp thuế xe điện Trung Quốc của châu Âu

(CLO) Quyết định tăng thuế đối với xe điện Trung Quốc của Liên minh châu Âu (EU) đã gây ra một cuộc tranh luận về việc liệu các khoản trợ cấp của quốc gia này có bị chỉ trích một cách bất công hay không.
Trung Quốc không đơn độc trong việc trợ cấp cho ngành công nghiệp nội địa, nhưng các nhà phê bình cho rằng quy mô trợ cấp khiến nước này trở nên khác biệt. Tuy nhiên, một nhà kinh tế Trung Quốc bảo vệ sự hỗ trợ của nhà nước đối với xe điện, nói rằng Brussels chưa hiểu ngụ ý đằng sau chúng.

Trong những ngày gần đây, căng thẳng thương mại giữa hai bên leo thang sau khi EU công bố mức thuế trừng phạt lên tới 38% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc.

Đồng thời, khối cho rằng các khoản trợ cấp “không công bằng” của Bắc Kinh đã dẫn đến tình trạng dư thừa công suất, làm méo mó thị trường và gây thiệt hại cho các công ty trong khu vực.

Bắc Kinh bác bỏ các cáo buộc và đáp trả bằng cuộc điều tra chống bán phá giá đối với thịt lợn nhập khẩu của EU.

Yuyuan Tantian, một kênh truyền thông xã hội liên kết với đài truyền hình nhà nước CCTV của Trung Quốc, tuần trước đưa tin rằng các cuộc điều tra chống trợ cấp của EU “đã vượt xa phạm vi điều tra chống trợ cấp truyền thống và lạm dụng các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)”.

Ngoài ra, Yuyyuan Tantian cũng cho biết trong thập kỷ qua, EU đã tiến hành các cuộc điều tra chống trợ cấp vượt xa các khoản trợ cấp trực tiếp của Chính phủ đối với các lĩnh vực khác như đất đai, các khoản vay và cung cấp điện.

Wang Yong, Phó trưởng khoa kinh tế cấu trúc mới thuộc Đại học Bắc Kinh, cho biết EU đang có “quan niệm sai lầm” về sự thống trị của Trung Quốc trên thị trường xe điện toàn cầu.

Ông nói rằng thay vì là kết quả của sự trợ cấp của nhà nước, đó là kết quả của sự cạnh tranh khốc liệt trong nước.

“Thị trường nội địa ở Trung Quốc vốn đã có tính cạnh tranh cao. Để tồn tại ở thị trường nội địa, giá phải liên tục giảm”, ông Wang nói.

Ông cũng cho biết xe điện có thể mang lại lợi ích xã hội rộng lớn hơn như bảo tồn năng lượng và giúp ích cho môi trường, nhưng có thể cần những khoản đầu tư lớn trả trước và gặp khó khăn để kiếm được lợi nhuận.

Chính quyền trung ương và địa phương ở Trung Quốc đã trợ cấp trực tiếp từ 200 tỷ đến 250 tỷ nhân dân tệ (27,5-34 tỷ USD) cho các nhà sản xuất xe điện trong khoảng thời gian 13 năm trước khi kết thúc vào năm ngoái, Securities Times đưa tin vào tháng 11/2023.

Họ vẫn đưa ra các khoản cắt giảm thuế cho người mua và cho biết những điều này sẽ được giữ nguyên cho đến năm 2027, trong khi những người chỉ trích cách tiếp cận của Trung Quốc cho biết một số lượng lớn các khoản trợ cấp khác đang được đưa ra và phàn nàn về sự thiếu minh bạch.

Một nghiên cứu của công ty tư vấn AlixPartners có trụ sở tại Hoa Kỳ vào tháng 7/2023 đã tính toán rằng giá trị trợ cấp của Chính phủ Trung Quốc chỉ dành cho người mua xe điện có thể lên tới 57 tỷ USD trong khoảng thời gian 6 năm từ 2016 đến 2022.

Một số Chính phủ châu Âu cũng đưa ra trợ cấp cho người mua xe điện, trong khi ở Mỹ, các nhà sản xuất có thể nhận trợ cấp nếu họ tuân thủ một số quy định nhất định về linh kiện được sản xuất ở Bắc Mỹ – một động thái mà cả châu Âu và Trung Quốc đều chỉ trích là không công bằng.

Theo tổ chức tư vấn Sinolytics có trụ sở tại Berlin, Đức và Mỹ đều đưa ra mức tín dụng thuế cao hơn cho người mua so với Trung Quốc vào năm ngoái, với mức 7.500 USD (6.800 euro) dành cho người mua ở Mỹ, so với 6.200 euro mỗi xe ở Đức và 4.000 euro ở Ấn Độ.

Nhưng James Zimmerman, cựu chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, cho biết các khoản trợ cấp của Trung Quốc đã vượt xa các ưu đãi dành cho người mua.

“Chính phủ đã tung ra các chính sách đáng kể nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất địa phương với nguồn tài nguyên đất giá rẻ, giảm giá mạnh về đầu vào năng lượng, lực lượng lao động trẻ và giá rẻ, tài trợ cho sản xuất, đầu tư R&D, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp kể từ đó”, ông nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Jacob Gunter, nhà phân tích chính tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator có trụ sở tại Berlin, cho biết việc tăng thuế của EU là hợp lý vì quy mô trợ cấp ở Trung Quốc “rất đáng kể” so với các khoản trợ cấp tương đối “khiêm tốn” của châu Âu.

Ông nói: “Vấn đề trợ cấp như một công cụ để thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp, đồng thời giúp chúng trở nên mạnh mẽ, có tính cạnh tranh cao”, đồng thời cho biết thêm loại chính sách này thường không được WTO coi trọng.

Theo nhà phân tích này, cuộc điều tra của EU đã diễn ra kỹ lưỡng và “có rất nhiều tài liệu công khai về những điều mà Chính phủ Trung Quốc đã công bố công khai trong một thời gian rất dài về mức độ trợ cấp, các khoản vay giá rẻ, đất đai miễn phí, tất cả các hình thức hỗ trợ công nghiệp”.

(nguồn: congluan.vn)

Bài viết liên quan