(ANTV) – Mới đây tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ. Một số đại biểu quốc hội đã cho rằng, nội dung quy định đối với loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng trong dự thảo Luật Đường bộ còn chưa hợp lý, ví dụ như trường hợp mỗi chuyến xe hợp đồng chỉ được chở một hành khách hoặc một nhóm khách duy nhất. Nội dung này 1 lần nữa lại nhận được sự quan tâm của dư luận khi gần như nó được sinh ra để quản lý loại hình xe ghép, xe tiện chuyến vốn đang được người dân rất ưa chuộng.
Xe ghép, xe tiện chuyến loại hình vận tải hành khách được nhiều người dân sử dụng trong 1 vài năm trở lại đây với những ưu thế vượt trội hơn so với phương thức di chuyển đường dài truyền thống là xe khách.
Đón đưa tận nơi, không mất phụ phí di chuyển, giờ giấc linh hoạt, chi phí thỏa thuận. Thực tế là đã có rất nhiều người từng lái taxi, xe khách đường dài, thậm chí đang làm công nhân cũng chuyển sang lái thuê cho các ông chủ xe ghép hoặc tự sắm xe làm dịch vụ. Tiện lợi như vậy, thế nhưng mới đây trong dự thảo luật đường bộ lại quy định, mỗi chuyến xe hợp đồng chỉ được chở một hành khách hoặc một nhóm khách duy nhất. Nhiều đại biểu quốc hội đã yêu cầu cần cân nhắc về nội dung này.
Rất tiện ích cho người dân, thế nhưng, các cơ quan quản lý thì lại không thể quản lý được hoạt động kinh doanh vận tải theo kiểu này. Và các xe này cũng không phải chấp hành các yêu cầu bắt buộc của loại hình phương tiện kinh doanh vận tải hành khách từ đó tạo ra ưu thế trong cạnh tranh với các loại hình vận tải truyền thống.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến trái chiều, bởi rõ ràng có thể thấy là loại hình đang tạo thuận lợi hơn cho người dân, tiết kiệm chi phí hơn so với mô hình hoạt động cũ. Vậy vì sao lại cấm? Phải chăng cứ không quản lý được thì cấm cho xong?
Theo TS Phan Lê Bình – Chuyên gia giao thông, xem xét cấm không cho kinh doanh loại hình này là cực kỳ khó vì nó đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, nhưng nhất thiết phải quản lý nó để tạo sự bình đẳng với các loại hình vận tải liên tỉnh khác. Nó là 1 loại hình mới nên các công cụ quản lý nhà nước cần phải phát triển bằng cách đưa ra các công cụ, chế tài mới để chúng ta quản lý. Chứ không phải là cứ không quản lý được thì chúng ta cấm. Cấm là việc rất đơn giản nhưng không phù hợp với sự phát triển mới của Việt Nam chúng ta.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động đa phần theo kiểu tự phát, loại hình xe ghép này cũng không phát sinh thêm như bến bãi, vì vậy cung cấp dịch vụ giá rẻ. Đây là nguyên nhân cho việc tạo nên một môi trường kinh doanh cạnh tranh thiếu bình đẳng. Các đơn vị kinh doanh vận tải truyền thống sẽ yếu thế hơn. Đó là chưa kể một khi có sự cố xảy ra trên hành trình thì khó mà tìm được người chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận là loại hình này mang lại nhiều tiện ích cho người dân, với nhiều ưu điểm vượt trội so với mô hình cũ.
Chính vì vậy, cái khó nhất của các cơ quan quản lý nhà nước hiện nay, chính là việc đưa ra được 1 quy định chung, thống nhất tạo được sự bình đẳng, nhưng vẫn thúc đẩy sự phát triển của các loại hình vận tải hành khách.
(Nguồn: antv.gov.vn)