Dù đã triển khai nhiều giải pháp nhưng tình hình trật tự, an toàn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh diễn ra rất phức tạp. Tình trạng học sinh điều khiển xe máy quá dung tích quy định gây ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Để xử lý triệt để tình trạng này, đòi hỏi phải thực hiện quyết liệt hơn nữa các giải pháp căn cơ để ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn giao thông, xây dựng văn hóa tự giác chấp hành pháp luật về giao thông trong học sinh.
Biết nhưng vẫn vi phạm
Không khó để bắt gặp những hình ảnh học sinh không đội mũ bảo hiểm, tụm năm tụm ba hay thậm chí dàn hàng ngang lưu thông trên đường với những chiếc xe máy có dung tích trên 50cc. Nhiều học sinh còn tự ý thay đổi màu sắc, nhãn mác, lắp hệ thống đèn chiếu sáng, đèn trang trí môtô sai quy định, lắp còi sai âm lượng, tụ tập thành nhóm đi tốc độ cao, nô đùa trên nhiều tuyến phố…
Em Đặng Ngọc Lâm, một học sinh THPT trên địa bàn quận Hà Đông cho biết: “Học sinh bọn em, đa số thì chỉ độ bô, còi đuổi, đèn hậu, xi nhan nhấp nháy. Bạn nào có nhiều tiền hơn thì độ cả máy, từ phân khối nhỏ thành phân khối lớn. Nhiều bạn khi xe được độ rồi thì thi nhau biểu diễn, bạn thì đua xe, bạn thì thể hiện trình “tổ lái” của mình bằng cách lạng lách chui vào giữa khe hai xe ôtô, bạn thì lại thích “bơi”, tức là nằm thoài loài trên xe, một tay vặn ga, một tay ấn cần số. Nói chung là rất nguy hiểm”.
Theo quan sát của phóng viên, số lượng học sinh THPT trên địa bàn TP Hà Nội đi xe có dung tích trên 50cc không hề nhỏ. Các loại xe được sử dụng cũng rất phong phú, từ các xe số như: Honda Wave Alpha100, xe dream… đến các loại xe tay ga như Vision, SH mode… Do đa số các trường đều cấm học sinh điều khiển xe máy dung tích trên 50cc nên những học sinh này thường tìm các bãi xe quanh trường để gửi xe rồi sau đó đi bộ vào trường.
Một người nhận trông xe gần khu vực Trường THPT Ngô Gia Tự, Hà Đông cho biết, do nhà trường cấm học sinh đi xe máy phân khối lớn nên các em gửi xe ở ngoài trường để không bị kỷ luật. Khi phóng viên hỏi một nam sinh của trường Ngô Gia Tự lý do vì sao lại đi xe phân khối lớn đi học thì em này hồn nhiên trả lời: “Trước đó bố mẹ em cũng đã mua cho em một chiếc xe Wave dung tích 50cc rồi nhưng thực sự là đi xe đó rất ì, cộng với trọng lượng cơ thể của em lại lớn (cười) nên đi rất chậm. Nhiều khi đi ra khỏi hầm chung cư gần như phải lấy chân đẩy mới lên được nên em đã xin bố mẹ đổi cho em xe khác”.
Tương tự, khi phỏng vấn một học sinh của Trường THPT Hà Đông (quận Hà Đông, Hà Nội) về lý do tại sao lại chọn đi xe phân khối lớn đi học thì nhận được câu trả lời: “Nhà em cách trường 6km, ngày trước học cấp 2 bố mẹ thường đưa đón bằng xe ôtô, bây giờ em lên cấp 3 nên tự đi xe máy. Nhà có dư 2 cái xe, em thích dùng xe nào cũng được”.
Tại trường THPT Thanh Xuân (Thanh Oai, Hà Nội), khoảng 5 giờ chiều, từ trong cổng trường hàng loạt học sinh với đủ loại phương tiện xe máy, xe đạp đổ ra đường. Đáng chú ý, số lượng học sinh sử dụng xe máy quá dung tích quy định diễn ra khá phổ biến. Các loại xe thường được các em sử dụng là các loại xe số như Dream, Wave Alpha, Jupiter… Khi chúng tôi hỏi em Lê Văn Bình (học sinh lớp 12) sao chưa có bằng lái mà dám lái xe đến trường, em học sinh này trả lời thản nhiên: “Nhà em cách đây có mấy cây số, đi xe máy cho nhanh ạ”.
Theo chia sẻ của người dân trên địa bàn, do đoạn đường này có tới 2 trường THPT ngay sát nhau nên mỗi khi tan trường là rất đông. Hiện tượng các em học sinh đi xe máy phân khối lớn đi học diễn ra khá phổ biến, trên đoạn đường này vẫn thường xuyên xảy ra tai nạn. Chị Nguyễn Thị Hằng (xã Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Nội) cho biết: “Thỉnh thoảng lại có vụ tai nạn giao thông ở đoạn đường này, khi thì do các cháu học sinh lái xe vượt ẩu, đi nhanh, khi thì xe ôtô đi ẩu…Tôi nghĩ cũng nên cấm các cháu học sinh đi xe máy phân khối lớn đến trường để đảm bảo an toàn cho chính các cháu và những người tham gia giao thông”.
Có con đang học cấp 3, anh Nguyễn Văn Nam (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Do điều kiện nhà mình bố mẹ đều làm công nhân, phải ra khỏi nhà từ rất sớm nên không thể đưa đón con đi học mỗi ngày được. Khi con trai mình vào cấp 3, gia đình cũng đã mua cho cháu một chiếc xe wave 50cc để tự đến trường. Tuy nhiên, chỉ sau nửa học kỳ đầu của năm học lớp 10, cháu về nhà luôn cằn nhằn về việc xe đi chậm, không thể điều khiển tốc độ theo ý muốn nên muốn được bố mẹ đổi xe. Vợ chồng mình nhất định không thể chiều theo ý con, bởi khi ra đường chứng kiến cảnh những bạn học sinh không đội mũ bảo hiểm, bốc đầu xe hay dàn hàng đi hiên ngang ngoài đường mình thấy nguy hiểm lắm”.
Việc học sinh sử dụng xe phân khối sai quy định đến trường không chỉ tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho người khác mà còn gây nguy hiểm cho chính bản thân mình. Chị Lê Thị Ngọc, (ngõ 10, Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Cách đây 3 tháng, tôi có mua cho con trai học lớp 12 một chiếc xe Vision mới để con đi học. Thế nhưng xe vừa mua hôm trước thì hôm sau con gây tai nạn. Cũng may, người chỉ bị thương nhẹ còn xe thì hỏng nghiêm trọng, mình phải mang vào hãng sửa mất 10 triệu. Sau hôm đó tôi không cho con đi xe mới nữa mà bắt phải đi chiếc xe 50cc cũ”.
Nỗ lực từ nhiều phía
Mặc dù cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp xử lý, nhà trường đã giáo dục và tuyên truyền tới các em học sinh nhưng tình trạng này dường như không có nhiều chuyển biến. Học sinh sử dụng xe gắn máy khi chưa đủ tuổi cấp giấy phép lái xe là vấn nạn được dư luận đặc biệt quan tâm. Bởi, thực tế đã có không ít vụ tai nạn giao thông xảy ra trong đó người gây tai nạn và nạn nhân thuộc nhóm đối tượng này.
Theo điều tra của Ủy ban ATGT quốc gia, gần 80% số người bị xử lý khi tham gia giao thông có độ tuổi từ 16 – 35. Trong đó, khoảng 80% là học sinh, sinh viên khi đi xe máy không có giấy phép lái xe; 95% điều khiển xe sai kỹ thuật. Đặc biệt, nhiều học sinh THPT không có giấy phép lái xe vẫn sử dụng xe máy phân khối lớn đến trường.
Theo thống kê của Bộ Công an, trong năm 2023, tai nạn giao thông liên quan đến học sinh (độ tuổi từ 16-18 tuổi) xảy ra 881 vụ, làm chết 90 người, bị thương 827 người. Trong đó có 737 vụ do thiếu niên, học sinh dưới 18 tuổi đi bộ, trực tiếp điều khiển phương tiện liên quan trong vụ tai nạn giao thông, làm chết 378 người, bị thương 658 người.
Từ những con số thực tế đó giải pháp để giảm thiểu tai nạn giao thông đối với học sinh ngày càng trở nên cấp thiết. Đây là việc làm không hề đơn giản, bởi một phần bộ phận không nhỏ này chưa nhận thức được mối nguy hiểm cũng như hậu quả của việc vi phạm quy tắc an toàn giao thông khi điều khiển phương tiện ra đường.
Theo Trung tá Nguyễn Đức Thắng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 7, Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội, tất cả những trường hợp vi phạm, theo quy chế phối hợp với ngành giáo dục đều được đơn vị gửi thông báo về trường nơi các em đang học tập để giáo dục. “Để giảm thiểu tình trạng này, ngay từ đầu năm mới Giáp Thìn 2024, đơn vị đã phối hợp cùng ngành giáo dục các quận Thanh Xuân, Hà Đông… lên kế hoạch và tổ chức tuyên truyền về an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông hướng đến học sinh, sinh viên. Ngoài việc xử lý, Công an thành phố Hà Nội đã tổ chức tuyên truyền 29 buổi tại các trường học với 17.208 học sinh, 2.687 giáo viên tham gia; đồng thời, tổ chức cho 5.127 lượt học sinh, giáo viên ký cam kết chấp hành quy định an toàn giao thông, hướng tới xây dựng văn hóa giao thông”, Trung tá Thắng chia sẻ.
Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, mấu chốt của vấn đề nằm ở phụ huynh học sinh, nếu như gia đình không tạo điều kiện mua xe cho học sinh hoặc mua xe đúng quy định thì sẽ không xảy ra tình trạng này. Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết: “Việc các phụ huynh nêu gương khi tham gia giao thông là hành động rất cần thiết. Tuyệt đối không chở con em mình khi tham gia giao thông mà vi phạm pháp luật như không đội mũ, sử dụng rượu bia, nghe điện thoại… Đặc biệt không giao xe máy phân khối lớn cho con để các cháu đến trường”.
Nói về vấn đề này, cô Đinh Thị Thùy Dung, giáo viên môn Giáo dục Công dân, Bí thư Đoàn Trường THPT Bất Bạt (xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, Hà Nội) cho biết: Để đảm bảo an toàn cho học sinh khi tham gia giao thông, các cán bộ nhân viên nhà trường được quán triệt thực hiện đúng theo quy định của Bộ Giáo dục – Đào tạo, Bộ Công an. Hầu hết học sinh thực hiện nghiêm chỉnh việc đội mũ bảo hiểm khi ngồi sau xe máy, khi đi xe đạp điện tới trường. Cá biệt có học sinh sử dụng xe máy trên 50 phân khối khi chưa đủ tuổi, phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ… Những học sinh này thường trốn tránh giáo viên, bảo vệ nhà trường bằng cách gửi xe ở nhà dân gần cổng trường”.
Chia sẻ về những giải pháp của nhà trường, cô Đinh Thị Dung, Phó hiệu trưởng Trường THPT – THCS Hà Thành (liên cấp), quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho hay, để đảm bảo an toàn cho học sinh, ngay từ đầu năm học nhà trường đã xây dựng tuyên truyền ý thức tham gia giao thông cho các em, để các em nắm được những kiến thức cơ bản như đi đường, tham gia giao thông như thế nào cho an toàn nhất. Nhà trường dành 2 tiết kỹ năng sống/tuần, trong đó có những tiết học về an toàn giao thông, về kỹ năng xử lý tình huống khi các em tham gia giao thông. Đặc biệt, các tiết sinh hoạt chào cờ đầu tuần, nhà trường tăng cường các nội dung này, xây dựng thành chủ đề, tiểu phẩm, những màn trình diễn bằng các biển báo… để học sinh phát huy hơn nữa kiến thức về an toàn giao thông.
(nguồn: cand.com.vn)