Tăng nặng mức phạt và giới hạn đối với lái xe có nồng độ cồn

Tại hội thảo “Tác hại của rượu, bia đối với người tham gia giao thông đường bộ” do Bộ Công an phối hợp Bộ Y tế tổ chức, ông Trần Hữu Minh đã đề xuất xử lý hình sự tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức cao dù chưa gây ra hậu quả. Ông Minh là chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia.

Tuổi Trẻ ghi ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia xung quanh đề xuất này.

Tăng nặng mức phạt và giới hạn đối với lái xe có nồng độ cồn

1. TS KHƯƠNG KIM TẠO (nguyên phó chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia):

Phạt nặng, nhưng cần xác định mức nào là say xỉn

Thời gian qua, việc xử lý nồng độ cồn đã rất quyết liệt nhưng rõ ràng cần có những giải pháp mạnh hơn nữa trong lúc tình hình vẫn phức tạp, nhất là dịp cuối năm.

Việc xem xét xử lý hình sự với các tài xế có vi phạm nồng độ cồn quá mức kịch khung hay say xỉn lái xe đe dọa gây nguy hiểm an toàn, tính mạng người khác, kể cả chưa gây ra tai nạn là hoàn toàn xác đáng. Việc phạt tiền ở những trường hợp này có thể chưa mang tính răn đe cao.

Các cơ quan chức năng có thể tính toán sửa đổi, bổ sung quy định để tính mức xử lý tù giam hoặc án treo hoặc có thể xử phạt lao động công ích…

Tuy nhiên, để thực hiện, cần xác định rõ tài xế uống rượu bia đến mức nào được coi là say xỉn, bởi nếu đưa mức quá nồng độ cồn mức 3 trở lên sẽ xử lý hình sự thì còn có trăn trở là về lý có thể đạt nhưng tình chưa thấu.

Chẳng hạn với tài xế uống quá mức 3 nhưng vẫn còn tỉnh táo, nói chuyện, trả lời rõ ràng câu hỏi được mà xử lý hình sự sẽ chưa phù hợp.

Do vậy cần có quy định cụ thể để xác định tài xế sử dụng rượu bia đến mức say xỉn, không làm chủ được hành vi của mình để xử lý hình sự. Khi làm được vậy sẽ tạo tính răn đe cao.

Bên cạnh đó, với những người uống rượu bia ở dưới mức này cũng cần có những biện pháp xử lý, răn đe mạnh hơn khác như trừ điểm bằng lái, phạt lũy tiến, buộc học và thi lại bằng lái xe, lao động công ích, treo bằng, tịch thu bằng…

2. Chuyên gia giao thông PHAN LÊ BÌNH:

Nên phạt tù giam thời gian ngắn

Thực tế ở một số nước đã xử lý hình sự đối với tài xế uống rượu, bia. Tuy nhiên mỗi nước sẽ có bối cảnh khác nhau, không thể áp nước này vào nước khác.

Với thực tế ở Việt Nam, cá nhân tôi đồng tình với đề xuất nếu tài xế đã uống rượu bia vượt ngưỡng cao nhất mà vẫn tiếp tục lái ô tô, xe máy, dù chưa gây hậu quả thì vẫn cần có chế tài nặng xử lý, kể cả xử lý hình sự.

Bởi hành động này cực kỳ nguy hiểm, có thể gây ra thương tích nặng cho một hay nhiều người với khả năng khá cao.

Tuy nhiên, muốn xử lý hình sự được thì phải căn cứ trên quy định pháp luật khi mà các quy định pháp luật của chúng ta còn chưa có, nên cần sớm nghiên cứu để có chế tài, quy định cụ thể.

Theo tôi, các trường hợp này mà phạt lao động công ích, cải tạo không giam giữ hay án treo… sẽ khó mang tính răn đe cao.

Vì vậy, biện pháp phạt tù, dù chỉ tạm giam 1-2 tuần thôi nhưng cũng sẽ mang tính răn đe rất mạnh mẽ.

Đồng thời khi đã có đầy đủ quy định pháp luật và đã được tuyên truyền, phổ biến rồi mà vẫn vi phạm thì phải xử lý ngay, không nên có chuyện lần đầu cảnh cáo, nhắc nhở, lần 2 mới xử…

3. Đại biểu Quốc hội PHẠM VĂN THỊNH (Bắc Giang):

Đã uống rượu, bia là không lái xe

Cá nhân tôi ủng hộ quan điểm không quy định ngưỡng mà đã uống rượu, bia là không được lái xe bởi tác hại của việc người lái xe có nồng độ cồn là rất lớn.

Giữa lựa chọn có ngưỡng hay cấm uống rượu thì phương án cấm sẽ tường minh, giúp công dân dễ chấp hành, tự mình cũng có thể đánh giá được mình vi phạm hay không vi phạm. Mà đây cũng là yêu cầu của xây dựng bất cứ một quy định pháp luật nào.

Cần phải nói thêm việc cho phép được uống rượu nhưng dưới ngưỡng ở một góc độ nào đó sẽ tạo ra không gian thúc đẩy, phát sinh hành vi vi phạm. Bởi lẽ về tâm lý học hành vi, nếu đã uống một ly rượu thì khả năng uống thêm sẽ cao hơn là dứt khoát không uống rượu bia ngay từ đầu.

Thêm vào đó, tự bản thân người uống không biết đã đến ngưỡng hay chưa cũng như nồng độ cồn thay đổi theo thời gian tính từ lúc uống rượu, bia vào cơ thể nên quy định có ngưỡng nồng độ cồn vô hình trung lại thúc đẩy phát sinh hành vi vi phạm của người lái xe.

Còn với việc xử lý hình sự tài xế vi phạm nồng độ cồn đặc biệt nghiêm trọng dẫn đến mất hoàn toàn kiểm soát, có thể gây tai nạn giao thông thảm khốc, tôi cho rằng cần nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ.

Bởi thực tế hiện nay quy định pháp luật của chúng ta là khi tài xế vi phạm nồng độ cồn gây tai nạn là có thể xử lý hình sự rồi. Đồng thời các biện pháp xử phạt hành chính cũng rất cao, nghiêm khắc. Do đó nên nghiên cứu kỹ.

Đại biểu Quốc hội PHẠM VĂN HÒA (ủy viên Ủy ban Pháp luật):

Cần nghiên cứu kỹ việc xử lý hình sự

Việc tăng cường xử lý nghiêm khắc đối với các hành vi uống rượu bia, nhất là uống rượu bia vượt ngưỡng cho phép, rồi chạy xe gây nguy hiểm, gây tai nạn là rất cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay quy định hiện hành mới chỉ xử lý hành vi uống rượu bia rồi lái xe bằng biện pháp hành chính chứ chưa xử lý hình sự.

Trên thực tế, nếu chưa gây thiệt hại về người, tài sản thì chưa thể có đủ căn cứ, cơ sở để xử lý hình sự. Do vậy, tôi cho rằng cần nghiên cứu rất kỹ việc này. Không thể dùng từ “có thể” để làm căn cứ xử lý hình sự.

Chưa kể bên cạnh những người uống rượu bia nhiều thì cũng có những người dù uống ít rượu bia, thậm chí có người không uống rượu bia nhưng vẫn không chấp hành luật, chạy xe nguy hiểm, chạy quá tốc độ cho phép và có thể gây tai nạn nghiêm trọng chẳng kém.

Điều bất cập hiện nay là quy định xử lý hiện hành với những người có nồng độ cồn ở mức trên 0,4mg/l khí thở, dù cao đến mấy vẫn chung một hình phạt.

Chẳng hạn người uống 5 ly bia hay 10, 20, 30 ly đều có thể bị xử phạt hành chính ở mức như nhau.

Việc này rõ ràng là không ổn và cần xem xét, bổ sung mức phạt đối với những người vi phạm nồng độ cồn cao hơn. Chẳng hạn thay vì tước bằng lái từ 23 – 24 tháng thì có thể tịch thu bằng lái của tài xế.

Sau một thời gian nhất định có thể cho họ thi lại nhưng việc xem xét, kiểm tra phải hết sức nghiêm ngặt. Với nhiều người bằng lái xe chính là công cụ để kiếm cơm của họ nên việc xử phạt như vậy rõ ràng sẽ giúp họ tự nâng cao ý thức của mình lên.

4. Kiến nghị điều chỉnh có quy định tối thiểu

Trong văn bản kiến nghị Bộ Giao thông vận tải, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình cho rằng quy định hiện nay không có mức tối thiểu cho nồng độ cồn khi tham gia giao thông là khá nghiêm khắc.

Việc quy định tuyệt đối mà không có ngưỡng giới hạn tối thiểu nồng độ cồn bị xử phạt như hiện nay là rất khó khăn cho người dân và lực lượng chức năng trong thực thi công vụ. Do đó đoàn kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi theo hướng có quy định giới hạn mức nồng độ cồn tối thiểu khi tham gia giao thông.

Bộ Giao thông vận tải cho biết trong quá trình xây dựng dự thảo, trình Chính phủ ban hành nghị định 100 được sửa đổi, bổ sung tại nghị định 123, bộ đã dự thảo các nội dung để phù hợp với Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia quy định hành vi bị nghiêm cấm…

Bộ đã nghiên cứu, đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng và xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các bộ, ban ngành liên quan để hoàn thiện dự thảo trước khi trình Chính phủ đồng ý ban hành.

Việc quy định như đã nêu nhằm bảo đảm sức khỏe người tham gia giao thông, tránh lạm dụng rượu bia, qua đó hạn chế tai nạn giao thông.

Quy định trên tiếp tục được đưa vào dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an xây dựng. Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu kỹ lưỡng để bảo đảm tính khả thi.

(Nguồn: tuoitre.vn)

Bài viết liên quan