Trình tự xử lý phạt nguội vi phạm giao thông theo quy định hiện nay

Vi phạm giao thông là một vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, việc xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm là điều cần thiết. Trong những năm gần đây, hình thức phạt nguội đã được áp dụng rộng rãi, giúp tăng cường hiệu quả xử lý vi phạm. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về Trình tự xử lý phạt nguội vi phạm giao thông theo quy định hiện nay.

1. Thế nào là phạt nguội?

Phạt nguội được hiểu là hình thức xử lý vi phạm giao thông sau khi các phương tiện đã vi phạm được một khoảng thời gian nhất định thông qua các dữ liệu điện tử từ hệ thống camera lắp đặt trên đường phố. Đây là một trong những biện pháp nhằm kiểm soát và giảm thiểu tình trạng vi phạm giao thông, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.

Phạt nguội được áp dụng cho các hành vi vi phạm giao thông như:

  • Vượt đèn đỏ
  • Đi ngược chiều
  • Không đội mũ bảo hiểm
  • Vi phạm tốc độ
  • Đi sai làn đường

2. Quy trình xử lý phạt nguội vi phạm giao thông

Quy trình xử lý phạt nguội vi phạm giao thông gồm 05 bước chính như sau:

Bước 1: Phát hiện vi phạm giao thông

Bước đầu tiên trong quy trình xử lý phạt nguội là phát hiện vi phạm giao thông. Việc này được thực hiện thông qua các hệ thống camera giám sát giao thông, thiết bị kỹ thuật của tổ chức, cá nhân hoặc thông qua các nguồn đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Các hình ảnh, video hoặc thông tin về vi phạm sẽ được ghi lại và lưu trữ trong hệ thống.

Bước 2: CSGT Kiểm tra, phân tích, xác định vi phạm giao thông

– Bước đầu tiên CSGT tiến hành xác định thông tin về phương tiện giao thông, chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan thông qua cơ quan đăng ký xe và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư: biển số xe, chủ đăng ký xe, thời gian vi phạm…

– Đối với trường hợp chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan không cư trú, đóng trụ sở tại địa bàn cấp huyện nơi cơ quan Công an đã phát hiện vi phạm hành chính có thể chuyển kết quả thu thập được bằng phương tiện, kỹ thuật nghiệp vụ về nơi cư trú của người vi phạm để xử lý, cụ thể:

+ Chuyển thông tin về Công an cấp xã nơi cư trú: nếu xác định vi phạm hành chính đó thuộc thẩm quyền xử phạt của Trưởng Công an cấp xã thì chuyển kết quả thu thập được Công an cấp xã nơi chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan cư trú, đóng trụ sở (theo mẫu số 01/65/68) để giải quyết, xử lý vụ việc vi phạm (khi được trang bị hệ thống mạng kết nối gửi bằng phương thức điện tử);

+ Chuyển thông tin về Công an cấp huyện nơi cư trú: kết quả phạt nguội gửi về cho Công an cấp huyện nơi chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính cư trú, đóng trụ sở (theo mẫu số 01/65/68) xử lý nếu thuộc 01 trong 02 trường hợp:

  • Nếu hành vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của Trưởng Công an cấp xã;
  • Thuộc thẩm quyền xử phạt của Trưởng Công an cấp xã nhưng Công an cấp xã chưa được trang bị hệ thống mạng kết nối.

Bước 3: Gửi thông báo cho chủ phương tiện vi phạm

Thông báo sẽ được gửi về cho chủ phương tiện vi phạm, yêu cầu chủ phương tiện đến trụ sở cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm để giải quyết vụ việc.

Nếu như việc đi lại gặp khó khăn và không có điều kiện trực tiếp đến trụ sở Công an trên, chủ phương tiện có thể đến trụ sở Công an cấp xã, cấp huyện nơi cư trú để giải quyết theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 135/2021/NĐ-CP.

Thông báo này có thể được gửi qua đường bưu điện hoặc thông qua các phương tiện liên lạc khác như điện thoại, email, tin nhắn. Trong thông báo sẽ ghi rõ hành vi vi phạm, thời gian và địa điểm xảy ra vi phạm, số tiền phạt và thời hạn thanh toán.

Bước 4: Cơ quan Công an Phối hợp với chủ phương tiện giải quyết vụ việc vi phạm

Thời gian tiến hành xử phạt phương tiện vi phạm trong thời hạn 10 ngày làm việc.

Khi chủ phương tiện đến cơ quan Công an để giải quyết vụ việc vi phạm thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hoặc Trưởng Công an cấp xã, Trưởng Công an cấp huyện tiến hành giải quyết, xử lý vụ việc vi phạm:

– Lập biên bản vi phạm hành chính trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày xác định được tổ chức, cá nhân vi phạm;

– Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và tổ chức thi hành quyết định xử phạt theo quy định của pháp luật.

Bước 5: Báo cáo, Cập nhật kết quả xử lý và kết thúc hồ sơ

– Trường hợp 1: Đối với những trường hợp vi phạm do Công an cấp xã hoặc cấp Huyện giải quyết thì phải báo ngay kết quả cho Cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm.

– Trường hợp 2:  Do chính cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm giải quyết thì phải thông báo ngay kết quả cho kết quả giải quyết vụ việc cho Công an cấp xã hoặc cấp huyện đã nhận kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.

– Đối với 2 trường hợp trên, ngay sau khi giải quyết, xử lý xong đều phải cập nhật trạng thái đã giải quyết trên Trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông và gửi ngay thông báo kết thúc cảnh báo phương tiện giao thông vi phạm cho cơ quan đăng kiểm, gỡ bỏ trạng thái đã gửi thông báo cảnh báo cho cơ quan đăng kiểm trên hệ thống quản lý, xử lý vi phạm hành chính.

Quy trình xử lý phạt nguội vi phạm giao thông là một quy trình phức tạp và cần được thực hiện đầy đủ và chính xác để đảm bảo tính công bằng và minh bạch.

3. Nộp phạt nguội tại địa phương nơi cư trú được không? 

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định số 135/2021/NĐ-CP quy định về xử lý kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ như sau:

Trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm trật tự, an toàn giao thông ở địa bàn cấp tỉnh này nhưng đóng trụ sở, cư trú ở địa bàn cấp tỉnh khác và tổ chức, cá nhân vi phạm không có điều kiện trực tiếp đến trụ sở cơ quan, đơn vị đã phát hiện vi phạm hành chính bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để giải quyết vụ việc vi phạm hoặc vi phạm trật tự, an toàn giao thông ở địa bàn cấp huyện này nhưng đóng trụ sở, cư trú ở địa bàn cấp huyện khác mà việc đi lại gặp khó khăn và tổ chức, cá nhân vi phạm không có điều kiện trực tiếp đến trụ sở cơ quan, đơn vị đã phát hiện vi phạm hành chính bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để giải quyết vụ việc vi phạm, thì người có thẩm quyền đang thụ lý giải quyết vụ việc chuyển kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc cơ quan, đơn vị cấp dưới hoặc cùng cấp, nơi tổ chức, cá nhân đóng trụ sở, cư trú để tiếp tục thực hiện các bước xử lý theo quy định.

=> Theo đó, khi có vi phạm an toàn giao thông bị phạt nguội ở tỉnh khác, nếu việc đi lại gặp khó khăn và không có điều kiện trực tiếp đến trụ sở cơ quan công an nơi phát hiện vi phạm, thì người vi phạm có thể đến trụ sở công an cấp xã, công an cấp huyện nơi cư trú, đóng trụ sở để giải quyết vụ việc.

4. Xử lý trường hợp quá thời hạn nộp phạt trong biên bản vi phạm hành chính

Tại Khoản 4 Điều 27 Thông tư 32/2023/TT-BCA có quy định như sau:

Trường hợp người vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính hoặc văn bản thông báo của người có thẩm quyền xử phạt mà chủ phương tiện, người vi phạm chưa đến giải quyết, xử lý (đối với phương tiện giao thông có quy định phải kiểm định) thì người có thẩm quyền xử phạt gửi thông báo cho cơ quan Đăng kiểm để phối hợp xử lý theo quy định tại Nghị định 139/2018/NĐ-CP và Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Như vậy, nếu quá thời hạn nộp phạt mà người vi phạm không chấp hành nộp phạt hoặc không đến cơ quan giải quyết thì người có thẩm quyền xử phạt gửi thông báo cho cơ quan Đăng kiểm để phối hợp xử lý. Theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thì người vi phạm sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và phải đóng thêm số tiền phạt cho những ngày chậm nộp.

5. Câu hỏi thường gặp

Những thông tin nào cần thiết để tra cứu và nộp phạt nguội?

Để tra cứu và nộp phạt nguội, bạn cần chuẩn bị các thông tin sau:

  • Biển số xe
  • Họ tên người vi phạm
  • Số quyết định xử phạt (nếu có)
  • Mã xác thực (nếu có)

Có những hình thức nộp phạt nguội nào?

Hiện nay, có nhiều hình thức nộp phạt nguội như:

  • Nộp trực tiếp tại cơ quan công an: Đến trực tiếp cơ quan công an có thẩm quyền để nộp phạt.
  • Nộp phạt qua ngân hàng: Nộp tiền phạt vào tài khoản của cơ quan công an.
  • Nộp phạt trực tuyến: Thực hiện thanh toán qua các cổng thông tin điện tử của cơ quan công an hoặc các dịch vụ công trực tuyến.

Nếu không nộp phạt nguội, hậu quả sẽ như thế nào?

Nếu không nộp phạt nguội trong thời hạn quy định, người vi phạm có thể phải chịu các hậu quả sau:

  • Bị cưỡng chế thi hành: Cơ quan có thẩm quyền có thể tiến hành cưỡng chế tài sản để thu hồi số tiền phạt.
  • Bị hạn chế các quyền lợi: Có thể bị hạn chế trong việc đăng kiểm xe, làm các thủ tục hành chính liên quan đến phương tiện.
  • Phải chịu lãi phạt: Có thể phải chịu lãi phạt đối với số tiền phạt chưa nộp.

Hy vọng qua bài viết, Pháp lý xe đã giúp quý khách hàng hiểu rõ hơn về vấn đề Trình tự xử lý phạt nguội vi phạm giao thông theo quy định hiện nay. Đừng ngần ngại hãy liên hệ với Pháp lý xe nếu quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc gì cần tư vấn giải quyết.

Thông tin liên hệ:

Địa chỉ: 39 Hoàng Việt, Phường 04, Quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh

Mail: phaplyxe.vn@gmail.com

Bài viết liên quan