Hướng dẫn cách nộp phạt nguội online hiện nay

Vi phạm giao thông là vấn đề nan giải của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, việc xử lý các lỗi vi phạm là điều cần thiết. Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ, việc nộp phạt nguội đã trở nên đơn giản và tiện lợi hơn bao giờ hết nhờ hình thức thanh toán trực tuyến. Bài viết này sẽ Hướng dẫn cách nộp phạt nguội online hiện nay một cách nhanh chóng và hiệu quả.

1. Có thể nộp phạt nguội online được không? 

Căn cứ vào khoản 1, Điều 78 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 sửa đổi năm 2020 và khoản 1, Điều 20 Nghị định 118/2021/NĐ-CP, các cá nhân hoặc tổ chức có các hành vi sai phạm trong quá trình tham gia giao thông sẽ thực hiện nộp phạt theo các hình thức sau:

  • Nộp phạt trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước hoặc Ngân hàng mà Kho bạc Nhà nước mở tài khoản (Đã được ghi rõ trong biên bản xử phạt).
  • Nộp phạt online trực tuyến bằng hình thức chuyển khoản cho tài khoản của Kho bạc Nhà nước thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Hoặc người vi phạm có thể sử dụng các dịch vụ thanh toán của ngân hàng cung cấp.
  • Đến nộp phạt trực tiếp cho người có thẩm quyền tại cơ quan chức năng của Nhà nước.
  • Người vi phạm có thể nộp phạt bằng các dịch vụ bưu chính vào Kho bạc Nhà nước.

Như vậy, theo thông tư mới nhất, người dân hoàn toàn CÓ THỂ nộp phạt nguội online trực tuyến ngay tại nhà.

2. Các trường hợp nộp phạt nguội online

  • Trong trường hợp bị tạm giữ phương tiện, người vi phạm (hoặc người được ủy quyền hợp pháp theo quy định) có thể đóng phạt trực tuyến trên Cổng DVCQG, tuy nhiên sau khi hoàn thành việc đóng phạt thì người vi phạm phải trực tiếp đến cơ quan người đã lập biên bản vi phạm hành chính để làm thủ tục và nhận lại phương tiện đã bị tạm giữ.
  • Đối với trường hợp bị tạm giữ Giấy phép lái xe, Chứng nhận đăng ký xe, Giấy chứng nhận đăng kiểm có thể đóng phạt trực tuyến trên Cổng DVCQG, khi người vi phạm hoàn thành việc đóng phạt, chọn trên hệ thống nhận lại giấy tờ qua bưu điện. Sau đó người vi phạm sẽ nhận được giấy tờ qua cơ quan bưu điện.
  • Đối với trường hợp bị áp dụng hình thức phạt bổ sung như tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe, phù hiệu xe, tem kiểm định có thời hạn có thể đóng phạt trực tuyến trên Cổng DVCQG, sau khi hoàn thành việc đóng phạt, người vi phạm có thể lựa chọn trên hệ thống nhận lại giấy tờ qua bưu điện, hết thời hạn tước ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì người vi phạm sẽ nhận được giấy tờ qua cơ quan bưu điện.
  • Để thuận tiện cho người dân trong việc thực hiện nộp phạt, đề nghị người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm cung cấp số điện thoại để nhập thông tin, xử phạt thông qua Cổng DVCQG.

3. Hướng dẫn nộp phạt vi phạm giao thông online hiện nay

Để tra cứu quyết định xử phạt, người dân không cần đăng nhập tài khoản, tuy nhiên để nộp phạt thì bắt buộc phải đăng nhập tài khoản. Người dân có thể đăng nhập trước khi tra cứu hoặc đăng nhập tại thời điểm thực hiện nộp phạt online bằng các bước sau.

Bước 1: Tra cứu quyết định xử phạt

Người dân truy cập vào Cổng DVCQG tại địa chỉ: https://dichvucong.gov.vn, chọn chức năng [Thanh toán trực tuyến], sau đó chọn [Tra cứu/thanh toán vi phạm giao thông], hệ thống sẽ hiển thị giao diện tra cứu quyết định xử phạt. Tiếp đó, người dân nhập các thông tin trên biên bản xử phạt, gồm các thông tin bắt buộc (Số biên bản; Họ tên người vi phạm; Đơn vị lập biên bản xử phạt: Tỉnh/Thành phố, đơn vị CSGT; Ngày vi phạm; Mã bảo mật).

Sau khi cập nhật các thông tin, thực hiện [Tra cứu] quyết định xử phạt. Khi đó, sẽ xảy ra một số trường hợp sau:

– Trường hợp 1: Nếu cơ quan công an chưa ra quyết định xử phạt, hệ thống sẽ hiển thị thông báo: “Chưa có quyết định xử phạt”;

– Trường hợp 2: Nếu quyết định xử phạt đã được thanh toán, hệ thống sẽ hiển thị thông báo: “Quyết định xử phạt đã được thanh toán”;

– Trường hợp 3: Nếu đã có quyết định xử phạt và chưa được thanh toán, hệ thống sẽ hiển thị thông tin chi tiết gồm (Số quyết định; Ngày ra quyết định; Hành vi vi phạm; Số tiền phạt).

Bước 2: Thanh toán

Khi người dân đã tra cứu được quyết định xử phạt có thể thực hiện một trong hai cách sau: Thanh toán và nhận kết quả tại cơ quan xử phạt hoặc thanh toán và nhận kết quả tại nhà qua Dịch vụ bưu chính công ích.

Để thực hiện chức năng này, người dân phải đăng nhập.

– Cách 1: Thanh toán và nhận kết quả tại cơ quan xử phạt

Người dân chọn [Thanh toán và nhận kết quả tại cơ quan xử phạt], khi đó hệ thống yêu cầu người dân nhập thông tin người nộp tiền. Sau khi nhập đầy đủ các thông tin, người dân bấm chọn [Thanh toán], hệ thống chuyển sang giao diện của Nền tảng thanh toán của Cổng DVCQG (Payment Platform) để lựa chọn ngân hàng hoặc trung gian thanh toán.

Trường hợp người dân không có tài khoản các ngân hàng đã có kết nối như Vietcombank, Vietinbank… thì có thể lựa chọn thanh toán qua các trung gian thanh toán như VNPTPay… Người dân chọn ngân hàng mà mình có tài khoản, sau đó bấm nút [Thanh toán].

Sau đó, nhập thông tin thẻ ngân hàng và bấm nút thanh toán, hệ thống chuyển sang màn hình để người dân nhập tài khoản của ngân hàng đã lựa chọn. Người dân đăng nhập theo yêu cầu của ngân hàng, khi đó hệ thống hiển thị màn hình để người dân xác nhận thanh toán.

Sau khi xác nhận thanh toán thành công, người dân sẽ nhận được thông báo đã thanh toán thành công. Sau đó, người dân có thể tải biên lai về máy tính hoặc điện thoại để xuất trình khi nhận giấy tờ tạm giữ tại cơ quan xử phạt (nếu có yêu cầu).

– Cách 2: Thanh toán trực tuyến và nhận kết quả tại nhà

Người dân chọn [Thanh toán và nhận kết quả tại nhà], khi đó hệ thống yêu cầu người dân đăng nhập tài khoản Cổng DVCQG, người dân chọn tài khoản cấp bởi Cổng DVCQG, hệ thống hiển thị màn hình để người dân nhập tài khoản.

Người dân thực hiện đăng nhập, sau khi đăng nhập thành công, hệ thống sẽ kiểm tra thông tin của tài khoản Cổng DVCQG và thông tin người vi phạm, khi đó sẽ xảy ra 2 trường hợp:

+ Trường hợp 1: Thông tin tài khoản Cổng DVCQG và thông tin người vi phạm không khớp nhau hoặc khi lập biên bản xử phạt, người vi phạm không cung cấp CMND/CCCD nên không có thông tin CMND/CCCD để đối chiếu thông tin khi đó hệ thống hiển thị thông báo.

+ Trường hợp 2: Thông tin người vi phạm và thông tin tài khoản Cổng DVCQG khớp nhau, khi đó hệ thống cho phép người dân thanh toán trực tuyến và nhận kết quả tại nhà để bảo đảm người nộp phạt là người vi phạm (chủ tài khoản trên Cổng DVCQG).

Hệ thống sẽ điều hướng vào trang tiện ích và lưu lại thông tin trong [Thông tin cá nhân] -> [Tiện ích] -> [Nộp phạt giao thông] -> [Thông tin vi phạm]. Tại trang [Thông tin vi phạm], người dân có thể tra cứu các quyết định xử phạt và tình trạng thanh toán (chưa thanh toán hoặc đã thanh toán).

Hệ thống lựa chọn [Nhận kết quả tại nhà qua VNPost], người dân bấm nút [Thanh toán], hệ thống hiển thị màn hình thông tin nhận kết quả tại nhà. Các thông tin cá nhân được lấy từ thông tin tài khoản (Thông tin địa chỉ mặc định là thông tin người dân đã khai báo trong tài khoản. Người dân có thể thay đổi địa chỉ nhận theo nhu cầu của mình).

Sau đó, người dân bấm [Tiếp tục thanh toán], hệ thống chuyển sang giao diện của Nền tảng thanh toán của Cổng DVCQG để lựa chọn ngân hàng, trung gian thanh toán.

Các bước tiếp theo thực hiện tương tự tại cách 1.

Trong trường hợp thanh toán và nhận kết quả tại nhà, người dân có thể quản lý được các lịch sử giao dịch thanh toán bằng cách đăng nhập, chọn [Thông tin cá nhân], chọn tiếp menu [Tiện ích] -> [Nộp phạt giao thông] -> [Lịch sử giao dịch].

4.Thời hạn nộp phạt vi phạm giao thông là bao lâu?

Căn cứ theo Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định về thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính như sau:

– Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.

Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 15 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012. Việc khiếu nại, khởi kiện được giải quyết theo quy định của pháp luật.

– Người có thẩm quyền xử phạt đã ra quyết định xử phạt có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc chấp hành quyết định xử phạt của cá nhân, tổ chức bị xử phạt và thông báo kết quả thi hành xong quyết định cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính của Bộ Tư pháp, cơ quan tư pháp địa phương.

Như vậy, thời hạn nộp phạt vi phạm giao thông là 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt, trừ trường hợp có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.

5. Câu hỏi thường gặp

Nộp phạt nguội online là gì?

  • Nộp phạt nguội online là hình thức thanh toán tiền phạt vi phạm giao thông trực tuyến qua mạng internet. Thay vì phải đến trực tiếp cơ quan công an giao thông để nộp phạt, người dân có thể thực hiện việc này tại nhà hoặc bất kỳ nơi đâu có kết nối mạng.

Tại sao nên nộp phạt nguội online?

  • Tiết kiệm thời gian: Tránh phải xếp hàng chờ đợi.
  • Tiện lợi: Có thể thực hiện mọi lúc mọi nơi có kết nối internet.
  • An toàn: Tránh rủi ro mất mát tiền bạc khi di chuyển.
  • Minh bạch: Quá trình thanh toán được ghi nhận rõ ràng, tránh thất thoát.

Có thể nộp phạt nguội online cho nhiều vi phạm cùng lúc không?

  • Tùy thuộc vào từng hệ thống, nhưng thông thường bạn có thể tra cứu và thanh toán nhiều vi phạm cùng một lúc. Tuy nhiên, cần kiểm tra kỹ thông tin của từng biên bản trước khi tiến hành thanh toán.

Hy vọng qua bài viết, Pháp lý xe đã giúp quý khách hàng hiểu rõ hơn về vấn đề Hướng dẫn cách nộp phạt nguội online hiện nay. Đừng ngần ngại hãy liên hệ với Pháp lý xe nếu quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc gì cần tư vấn giải quyết.

Thông tin liên hệ:

Địa chỉ: 39 Hoàng Việt, Phường 04, Quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh

Mail: phaplyxe.vn@gmail.com

Bài viết liên quan