CSGT TP.HCM sẽ tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát kết hợp đẩy mạnh xử phạt vi phạm qua hình ảnh đối với các hành vi vi phạm về dừng đỗ. Lái xe cần lưu ý gì?
1. Dừng đỗ thế nào mới đúng?
Ngày 6.4, Phòng CSGT (PC08, Công an TP.HCM) cho biết, thời gian qua, trên địa bàn TP đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông do người lái xe vi phạm về dừng đỗ xe để lại hậu quả thương tâm.
CSGT xác định, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ tai nạn giao thông thương tâm nói trên là do người lái xe dừng, đỗ xe trên đường bộ không đúng quy định; không chú ý quan sát.
Do đó, thời gian tới, để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông do dừng đỗ xe không đúng quy định, Phòng CSGT sẽ tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát kết hợp đẩy mạnh xử phạt vi phạm qua hình ảnh đối với các hành vi vi phạm về dừng đỗ xe.
Đại diện Phòng CSGT cho hay, khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ người lái xe phải có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết; cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình; trên các tuyến đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó.
Sau khi đỗ xe, lái xe chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết; không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn; khi dừng xe, không được tắt máy và không được rời khỏi vị trí lái; xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn bánh.
CSGT lưu ý, lái xe không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí sau đây:
- Bên trái đường một chiều
- Trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất
- Trên cầu, gầm cầu vượt
- Song song với một xe khác đang dừng, đỗ
- Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường
- Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5 m tính từ mép đường giao nhau
- Nơi dừng của xe buýt
- Trước cổng và trong phạm vi 5 m hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức
- Tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe; che khuất biển báo hiệu
“Ngoài ra, lái xe phải cho xe dừng, đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25 m và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông. Trường hợp đường phố hẹp, phải dừng xe, đỗ xe ở vị trí cách xe ô tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20 m. Không được dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước. Không được để phương tiện giao thông ở lòng đường, hè phố trái quy định”, đại diện Phòng CSGT thông tin.
2. Lái xe cần lưu ý gì?
Phòng CSGT Công an TP.HCM khuyến cáo, người lái ô tô cần tuân thủ quy định về dừng xe, đỗ xe trên đường bộ. Luôn nhớ sử dụng phanh tay. Chú ý quan sát trước khi mở cửa xe. Khi dừng xe, tài xế không được tắt máy xe và không được rời khỏi vị trí lái; đồng thời, phải bật đèn cảnh báo.
Khi đỗ xe, tài xế chỉ được phép rời khỏi xe khi quan sát thấy xe đã đỗ an toàn. Tại một số địa điểm có biển báo “cấm đỗ xe”, người lái có thể dừng xe nhưng chỉ được dừng trong một khoảng thời gian ngắn, còn những khu vực có biển báo “cấm dừng xe và đỗ xe” thì không được phép dừng, đỗ xe tại đó.
Trường hợp xe gặp sự cố khi đang đi trên đường mà không thể di chuyển được đến nơi dừng, đỗ theo quy định, buộc phải đỗ xe trên đường, thì người lái xe cần bật đèn khẩn cấp và nhanh chóng liên hệ đơn vị cứu hộ để di chuyển xe đến vị trí thích hợp, không để ùn tắc giao thông.
Lái xe cần lưu ý, trong thời gian chờ xe cứu hộ đến, người điều khiển xe và người đi cùng trên xe không đứng ở vị trí phía sau xe để tránh bị phương tiện khác đâm va.
Người đi xe máy cũng cần giữ khoảng cách an toàn, tập trung chú ý quan sát, khi phát hiện có xe ô tô dừng đỗ phía trước phải giảm tốc độ đến mức an toàn để kịp thời xử lý.
Theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, phạt tiền từ 10.000.000 – 12.000.000 đồng đối với người điều khiển xe dừng xe, đỗ xe gây tai nạn giao thông. Ngoài ra, áp dụng hình thức phạt bổ sung là tước bằng lái từ 2 – 4 tháng. Bên cạnh chế tài hành chính, chủ xe hoặc người quản lý, sử dụng xe có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất, mức độ vụ việc.
(nguồn: thanhnien.vn)