Nhiều mẫu xe có nguy cơ dừng bán tại Việt Nam do tiêu chuẩn tiêu thụ nhiên liệu mới

Việt Nam đang triển khai các biện pháp nhằm hiện thực hóa cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, trong đó có việc siết chặt các tiêu chuẩn về mức tiêu thụ nhiên liệu đối với phương tiện cơ giới đường bộ. Điều này có thể dẫn đến việc nhiều mẫu xe ô tô và xe máy hiện tại không còn được phép bán ra thị trường nếu không đáp ứng được các quy định mới.

Nhiều mẫu xe có nguy cơ dừng bán tại Việt Nam do tiêu chuẩn tiêu thụ nhiên liệu mới
Nhiều mẫu xe có nguy cơ dừng bán tại Việt Nam do tiêu chuẩn tiêu thụ nhiên liệu mới

Lộ trình áp dụng tiêu chuẩn tiêu thụ nhiên liệu

Theo Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đặt mục tiêu áp dụng giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo lộ trình rõ ràng. Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Quyết định số 1191/QĐ-BGTVT ngày 30/9/2024, triển khai “Biện pháp E17” – giới hạn tiêu thụ nhiên liệu cho xe cơ giới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới.

Cụ thể, đến năm 2030, 100% xe máy bán ra tại thị trường Việt Nam phải đạt định mức tiêu thụ nhiên liệu 2,3 lít/100km. Đối với ô tô con, mức tiêu thụ nhiên liệu sẽ được phân theo dung tích động cơ:

  • Dưới 1.400cc: 4,7 lít/100km

  • Từ 1.400 – 2.000cc: 5,3 lít/100km

  • Trên 2.000cc: 6,4 lít/100km

Tỷ lệ áp dụng cho phương tiện mới lần lượt là 30% vào năm 2027, 50% vào năm 2028, 75% vào năm 2029 và 100% vào năm 2030. Điều này đồng nghĩa, các mẫu xe không đạt chuẩn tiêu thụ nhiên liệu sẽ bị loại khỏi thị trường, đặc biệt là ảnh hưởng lớn đến các hãng xe chuyên sản xuất xe hạng sang hoặc xe có dung tích động cơ lớn.

Nhiều mẫu xe có nguy cơ dừng bán tại Việt Nam do tiêu chuẩn tiêu thụ nhiên liệu mới
Nhiều mẫu xe có nguy cơ dừng bán tại Việt Nam do tiêu chuẩn tiêu thụ nhiên liệu mới

Tác động đến ngành công nghiệp ô tô và xe máy

Theo nghiên cứu chung giữa Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Viện Khoa học công nghệ Giao thông vận tải (ITST), nếu áp dụng Biện pháp E17, có tới 97% kiểu loại xe ô tô dùng động cơ đốt trong hiện nay không đáp ứng được quy định, buộc phải dừng sản xuất hoặc dừng nhập khẩu. Chỉ 3% mẫu xe đáp ứng được là các mẫu xe hybrid. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ giảm tới 77% lượng xe ô tô và 78,8% lượng xe máy sử dụng xăng bán ra hàng năm.

Sự sụt giảm về sản lượng xe ô tô dưới 9 chỗ và xe máy sản xuất và nhập khẩu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn thu ngân sách nhà nước từ thuế, phí. Cụ thể, tổng hợp nguồn thu ngân sách nhà nước nếu áp dụng E17 (MEPS) trung bình sẽ giảm 188,7 nghìn tỷ đồng/năm.

Lựa chọn mô hình quản lý tiêu thụ nhiên liệu phù hợp

Trong bối cảnh này, câu hỏi được đặt ra là: Việt Nam nên áp dụng mô hình quản lý tiêu thụ nhiên liệu nào cho phù hợp – MEPS hay CAFC? Theo các chuyên gia trong ngành, MEPS quy định ngưỡng tiêu thụ nhiên liệu tối thiểu cho từng kiểu loại xe, được xem là cách tiếp cận cứng nhắc, ít linh hoạt. Ngược lại, CAFC (Corporate Average Fuel Consumption) – mô hình đang được đa số quốc gia áp dụng, tính mức tiêu thụ trung bình của toàn bộ đội xe do một hãng sản xuất bán ra, giúp nhà sản xuất linh hoạt hơn trong danh mục sản phẩm.

Theo ông Đinh Trọng Khang – Phó Giám đốc Viện chuyên ngành Môi trường (Viện Khoa học công nghệ Giao thông vận tải), Trung Quốc ban đầu sử dụng MEPS để loại bỏ xe công nghệ cũ, nhưng sau đó đã chuyển sang áp dụng song song cả MEPS và CAFC để nâng cao hiệu quả chính sách.

Việc lựa chọn mô hình quản lý tiêu thụ nhiên liệu phù hợp sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng giữa mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế, đồng thời đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp ô tô và xe máy tại Việt Nam.

Theo báo VietNamplus

Bài viết liên quan