Việc không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của cảnh sát giao thông là một hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông. Vậy, mức phạt đối với hành vi này là bao nhiêu? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc này.
1. Có bắt buộc chấp hành hiệu lệnh dừng xe của CSGT không?
Theo quy định tại Điều 11 Luật Giao thông đường bộ 2008, mọi người tham gia giao thông đều phải:
- Chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ: Bao gồm cả đèn giao thông, biển báo, vạch kẻ đường.
- Chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông: Trong trường hợp này, chính là hiệu lệnh dừng xe của CSGT.
2. Mức phạt lỗi không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của CSGT
Trường hợp không chấp hành hiệu lệnh của CSGT, người tham gia giao thông sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về lỗi không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) như sau:
Phương tiện |
Mức phạt |
Căn cứ |
|
Phạt tiền |
Phạt bổ sung |
||
Ô tô |
4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng |
Tước Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng |
Điểm b khoản 5 và điểm b khoản 11 Điều 5 |
Xe máy |
800.000 đồng đến 1.000.000 đồng |
Tước Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng |
Điểm g khoản 4 và điểm b khoản 10 Điều 6 |
Máy kéo, xe máy chuyên dùng |
2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng |
Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 01 tháng đến 03 tháng |
Điểm d khoản 5 và điểm a khoản 10 Điều 7 |
Xe đạp |
100.000 đồng đến 200.000 đồng |
Điểm b khoản 2 Điều 8 |
|
Người đi bộ |
60.000 đồng đến 100.000 đồng |
Điểm c khoản 1 Điều 9 |
|
Người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo |
100.000 đồng đến 200.000 đồng |
Điểm a khoản 2 Điều 10 |
3. Không chấp hành hiệu lệnh của CSGT có phải là chống người thi hành công vụ không?
Tội chống người thi hành công vụ được quy định tại Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015, với mức án cao nhất lên đến 7 năm tù.
Một cá nhân chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này khi thực hiện hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, hoặc các thủ đoạn khác nhằm cản trở người thi hành công vụ trong việc thực hiện nhiệm vụ của họ, hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật.
Tuy nhiên, hành vi không chấp hành hiệu lệnh của CSGT không bị xử lý hình sự về tội chống người thi hành công vụ. Thay vào đó, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính đối với lỗi không tuân thủ hiệu lệnh và hướng dẫn của người điều khiển giao thông. Mức phạt này dao động từ 60.000 đồng đến 6 triệu đồng, và trong một số trường hợp còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe.
4. Hiệu lệnh của CSGT trái với biển báo thì chấp hành hiệu lệnh nào?
Trường hợp hai hình thức báo hiệu kể trên cùng xuất hiện một vị trí mà hiệu lệnh của CSGT trái với biển báo thì người tham gia giao thông phải ưu tiên thực hiện theo hiệu lệnh của CSGT.
Bởi theo Quy chuẩn 41:2019/BGTVT, khi hai hình thức báo hiệu là biển báo giao thông và hiệu lệnh của CSGT cùng xuất hiện tại một khu vực thì người tham gia giao thông cần tuân thủ theo thứ tự hiệu lực như sau: (1) Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông >> (2) Hiệu lệnh của biển báo hiệu.
Bên cạnh đó, Điều 8 Quy chuẩn 41:2019/BGTVT cũng quy đinh, người tham gia giao thông phải chấp hành nghiêm chỉnh hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, ngay cả khi hiệu lệnh đó trái với tín hiệu của đèn giao thông, biển báo hiệu hoặc vạch kẻ đường.
Vì vậy, việc ưu tiên chấp hành chỉ dẫn của CSGT được đưa lên hàng đầu. Người tham gia giao thông cần lưu ý điều này để tránh việc bị xử phạt vi phạm hành chính.
5. Câu hỏi thường gặp
Nếu chỉ dừng xe chậm và không ngay lập tức thì có bị phạt không?
Trả lời: Việc không dừng xe ngay lập tức khi CSGT ra hiệu lệnh cũng được coi là vi phạm. Mức phạt sẽ tùy thuộc vào mức độ vi phạm cụ thể.
Nếu không nghe thấy hiệu lệnh của CSGT vì lý do khách quan (ví dụ như nghe nhạc to, tai bị bệnh) thì có bị phạt không?
Trả lời: Dù có lý do gì đi nữa, việc không chấp hành hiệu lệnh vẫn là vi phạm. Người điều khiển phương tiện có trách nhiệm đảm bảo luôn trong trạng thái sẵn sàng tuân thủ luật giao thông.
Nếu CSGT ra hiệu lệnh dừng xe ở nơi không rõ ràng hoặc không đúng quy định thì có cần phải dừng xe?
Trả lời: Người điều khiển phương tiện vẫn có nghĩa vụ tuân thủ hiệu lệnh của CSGT. Tuy nhiên, nếu nghi ngờ về tính hợp pháp của yêu cầu dừng xe, bạn có thể yêu cầu CSGT xuất trình thẻ công vụ và giải thích lý do.
Hy vọng qua bài viết, Pháp lý xe đã giúp quý khách hàng hiểu rõ hơn về vấn đề Mức phạt lỗi không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của CSGT. Đừng ngần ngại hãy liên hệ với Pháp lý xe nếu quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc gì cần tư vấn giải quyết.