Liệu việc giảm thuế nhập khẩu xe điện có khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn xe điện thay vì xe xăng?

 

Theo Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện (xe hybrid có sạc pin) sẽ tiếp tục được ưu đãi thuế 70% so với các ô tô cùng loại.
Quy định này liệu có làm thay đổi thói quen sử dụng xe điện của người dân hay cần có thêm những chính sách, quy định khác để thúc đẩy người dân dùng xe điện?

Trước thông tin ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô hybrid có sạc pin, một số người dân cho biết về xu hướng chuyển đổi sang xe xanh:

“Với ưu đãi đó chưa đủ hấp dẫn chuyển từ xe xăng sang xe lai. Thứ nhất là các sản phẩm đó chưa được nhiều người đi nên không biết chất lượng như thế nào? Cái khoản chi phí sửa sau này cao hơn rất nhiều. Với khoản thuế giảm không biết có bù được chi phí sửa chữa cho một thời gian dài mình đi”.

“Là một người tiêu dùng tôi cũng đang có băn khoăn khi chuyển từ xe xăng sang xe điện hoặc xe hybrid. Xe thuần điện có những e ngại về cơ sở hạ tầng trạm sạc và tuổi thọ của pin. Vì nếu mà thay thế khi pin hư hỏng, chi phí rất đắt”.

“Tôi nghĩ rằng cần có thêm những chính sách hỗ trợ khác hơn cho những người sử dụng xe điện, giảm giá, vay ưu đãi”.

Theo anh Mạnh Linh ở Hà Nội, đối với người sử dụng xe điện, yếu tố quan trọng là hệ thống trạm sạc và sự tiện ích. Anh Linh không tránh khỏi lo ngại về sự quá tải hạ tầng trạm sạc và xưởng dịch vụ trong thời gian tới:

“Bên cạnh lượng lớn xe thương mại bán cho cá nhân, vẫn còn nhiều xe chạy dịch vụ. Bởi vì xe chạy dịch vụ chạy khá nhiều, nhu cầu sạc xe cao hơn rất nhiều so với người thông thường. Tuy nhiên đôi lúc mình đi sạc xe vẫn bị thiếu chỗ sạc do lượng sạc xe dịch vụ quá nhiều. Dự kiến sắp tới có khoảng 30 nghìn xe sẽ lăn bánh ở trên đường thì hệ thống trạm sạc có đáp ứng được hay không?”

Về quy định thuế suất ưu đãi đối với xe hybrid có sạc pin, theo PGS Vũ Sỹ Cường, Phó trưởng bộ môn Phân tích Chính sách tài chính, Học viện Tài, ưu đãi về thuế chỉ là một điều kiện cần, không phải là điều kiện quyết định đến xu hướng tiêu dùng của người dân. Do vậy, ông Cường cho rằng cần cân nhắc mức thuế ưu đãi đối với xe điện nhập khẩu:

“Về mặt lý thuyết xe điện khuyến khích tiêu dùng xanh, nhưng tỷ lệ sử dụng xe điện vẫn ở Việt Nam mức thấp do vấn đề về hạ tầng. Xe điện có nhiều phân khúc khác nhau. Nếu xe điện nhập vào, giá rẻ, chèn lấn được xe xăng. Đây là một nguy cơ cần tính đến đối với các doanh nghiệp xe xăng. Do vậy chúng ta cần cân nhắc để đánh thuế ưu đãi ở mức nào đó phù hợp, nếu quá chênh lệch đối với xe xăng sẽ gây ra cạnh tranh không bình đẳng đối với xe xăng”.

Ông Cường cho biết thêm, hiện nay Việt Nam đã gia nhập WTO và tham gia nhiều cam kết quốc tế, đòi hỏi mức thuế phải đồng đều và cân bằng giữa xe ô tô sản xuất trong nước và nhập khẩu. Do vậy, để khuyến khích sản xuất xe điện trong nước và thúc đẩy người dân sử dụng xe điện có thể sử dụng các giải pháp khác ngoài thuế.

Ông Đào Công Quyết, Trưởng tiểu ban Quan hệ công chúng, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng, điều kiện tiên quyết để người dân thay đổi thói quen sử dụng xe ô tô điện là họ có được những tiện ích trong quá trình sạc điện, di chuyển. Để làm được điều này, các doanh nghiệp sản xuất ô tô cần một lộ trình phát triển xe điện rõ ràng, để có định hướng sản xuất, cũng như chuẩn bị về hạ tầng các trạm sạc điện:

“Đối với thành phố lớn, cần ngay hạ tầng về hệ thống trạm sạc và nguồn điện cho đủ. Nếu như có hệ thống hạ tầng trạm sạc tốt người dân sẽ dần dần thay đổi. Và chúng tôi cũng đề nghị chia thành lộ trình 3 giai đoạn. Thứ nhất từ năm 2022- 2030, có chính sách hỗ trợ tốt cho HEV và PHEV, thứ nhất bảo vệ môi trường và thay đổi thói quen của người dân, có thể hỗ trợ thuế TTĐB, thuế phí khác.

Giai đoạn 2030-2040, có thể sẽ giảm hỗ trợ cho HEV, PHEV, giữ hỗ trợ tốt cho PEV như hiện tại. Giai đoạn này giảm dần động cơ đốt trong của HEV và PHEV, người dân sẽ thay đổi được và có thời gian xây dựng hạ tầng. Sau 2040 không cần sự hỗ trợ nào nữa”.

Đảm bảo các tiện ích, thuận lợi cho các chủ xe trong quá trình bảo hành, sửa chữa xe ô tô điện cũng là một vấn đề mà nhiều người sử dụng ô tô điện quan tâm. TS Đỗ Khắc Sơn, Giảng viên trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội phân tích, khác với các xe ô tô chạy xăng, quy trình bảo dưỡng động cơ xe điện có nhiều khác biệt.

Do vậy, song song với việc sản xuất những phương tiện chất lượng, các doanh nghiệp cần phát triển thêm các trạm sửa chữa bảo dưỡng xe điện nhằm đảm bảo quyền lợi của các chủ xe điện:

“Về nguyên tắc không nên phát triển ồ ạt, vì các cơ sở chuẩn bị của chúng ta chưa đáp ứng được thì sẽ không tốt, hệ thống đường sá chưa đáp ứng được, hệ thống cổng xạc, hệ thống bảo hành bảo dưỡng chưa được đáp ứng đầy đủ thì nên có lộ trình. Lộ trình đầu tiên nên khuyến khích người dân trong thành phố chuyển sang xe điện, ở khu vực khác”.

Ông Thành Lê – Quản trị viên Ô tô Fun cho rằng, để thị trường xe điện trong nước phát triển và người dân dần chuyển từ xe xăng sang xe điện thì ngoài việc sản xuất xe điện chất lượng, giá cả hợp lý, yếu tố quan trọng nhất vẫn là hệ thống trạm sạc điện rộng khắp.

Sử dụng xe hybrid, xe điện có lượng tiêu hao nhiên liệu rất thấp, hạn chế khí phát thải ô nhiễm ra môi trường. Để khuyến khích người dân sử dụng xe điện, ngoài việc Chính phủ sớm đưa ra một lộ trình cụ thể đối với phát triển xe điện thì điều quan trọng cần đưa ra những chính sách hỗ trợ giúp người tiêu dùng có cơ hội sử dụng các sản phẩm xe điện có chất lượng tốt, giá thành hợp lý, tiện ích cao.

Đây cũng là góc nhìn của VOV Giao thông: Thúc đẩy sử dụng xe điện, cần thêm chính sách hỗ trợ người dùng.

Thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến cuối năm 2023, cả nước có khoảng 22 nghìn xe ô tô thuần điện và hơn 11 nghìn xe hybrid (xe lai) sản xuất nội địa và nhập khẩu được cấp phép lưu hành.

Những con số trên cho thấy, thị trường xe điện của Việt Nam đã có những tăng trưởng tích cực và người dân có xu hướng chuyển dịch sang sử dụng xe điện, thay thế cho xe xăng. Tuy nhiên, để thay đổi thói quen sử dụng xe xanh, thân thiện với môi trường, cần những giải pháp và chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, doanh nghiệp đối với những người sử dụng xe ô tô điện.

Trước hết, Nhà nước cũng cần quy hoạch và xây dựng các trạm sạc điện, tính toán và bố trí lượng điện phục vụ cho các trạm sạc. Các trạm sạc cần phải bố trí gần các khu vực dân cư, ở các vị trí tiện lợi cho phương tiện đến sạc. Hạ tầng các trạm sạc điện phải được xây dựng trước giống như hệ thống cơ sở hạ tầng điện, nước.

Việc nghiên cứu xây dựng trạm sạc có thể dùng chung cho xe điện của nhiều hãng khác nhau, tránh tình trạng mỗi hãng xe, một trạm sạc, gây khó khăn trong công tác quản lý. Huy động nguồn vốn xã hội hóa cùng với các doanh nghiệp xây dựng các trạm sạc điện cũng là một trong những giải pháp cần tính tới.

Năm 2023, trên toàn quốc đã có khoảng 50 nghìn trạm sạc xe điện ở 125 tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, tại 63 tỉnh, thành phố với khoảng 150 nghìn cổng sạc, tăng gần 75% so với năm trước. Tuy nhiên với nhu cầu sử dụng xe điện không ngừng tăng, thời gian tới, doanh nghiệp cần tiếp tục mở rộng, đầu tư nâng cấp hệ thống các trạm sạc xe điện nhằm đáp ứng nhu cầu, tạo sự tiện lợi cho chủ xe điện.

Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng cần mở rộng thêm hệ thống các xưởng sửa chữa dịch vụ dành riêng cho xe điện, cân đối cơ cấu số lượng xe dịch vụ và xe cá nhân sử dụng cổng sạc tại các trạm sạc điện tránh tình trạng các chủ xe cá nhân phải chờ đợi lâu để sạc điện.

Song song với đó, cần tiếp tục mở rộng hệ thống các xưởng dịch vụ sửa chữa xe điện, tập trung ở những khu vực có số lượng người sử dụng nhiều, tránh tình trạng nhiều người dùng phải chờ đợi ở các xưởng dịch vụ.

Để khuyến khích và thúc đẩy người dân sử dụng xe điện, Nhà nước phối với Bộ, ngành liên quan, ban hành những chính sách hỗ trợ cụ thể, trực tiếp đối với những người sử dụng xe điện, như hỗ trợ về lãi suất vay, về giá khi mua các sản phẩm xe điện trong nước.

Việt Nam cam kết giảm khí phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, phấn đấu giảm nhanh lượng phát thải khí nhà kính đến 43,5% vào năm 2030. Việc giảm thiểu khí phát thải từ phương tiện giao thông là một trong những giải pháp giúp Việt Nam có thể thực hiện đúng cam kết với cộng đồng quốc tế.

Bởi vậy, Chính phủ, Bộ Công thương cần sớm xây dựng và ban hành lộ trình phát triển xe điện trong nước với từng mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn để làm định hướng cho ngành ô tô trong nước. các nhà sản xuất ô tô trong nước và các doanh nghiệp nhập khẩu cũng cần đưa ra nhiều mẫu mã sản phẩm, nâng cao chất lượng phương tiện, giá cả hợp lý… phù hợp với thu nhập và túi tiền của người dân.

Chỉ khi sử dụng ô tô điện trở nên tiện lợi, dễ dàng mới giúp họ từng bước chuyển dần sang sử dụng xe điện.

(Nguồn: vovgiaothong.vn)

Bài viết liên quan