Học sinh vi phạm giao thông có bị gửi thông báo về trường không? Học sinh THCS, THPT vi phạm an toàn giao thông bị gửi giấy báo về trường thì bị xếp loại hạnh kiểm gì? Hãy cùng Pháp lý xe theo dõi bài viết dưới đây.
1. Học sinh vi phạm an toàn giao thông sẽ bị gửi thông báo về cho nhà trường theo chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ?
Ngày 21/12/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị 31/CT-TTg năm 2023 về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới.
Căn cứ theo Chỉ thị 31/CT-TTg năm 2023 thì Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an những nội dung sau liên quan đến việc tham gia giao thông của học sinh:
– Chỉ đạo Công an cấp huyện chủ trì, phối hợp với các trường trung học phổ thông; Công an cấp xã chủ trì, phối hợp với các trường trung học cơ sở, tiểu học trên địa bàn kiểm tra việc sử dụng phương tiện tham gia giao thông của học sinh, nhất là tại các bãi để xe trong trường, khu vực cổng trường; phối hợp nhà trường làm việc với phụ huynh và học sinh vi phạm để nhắc nhở, yêu cầu tăng cường quản lý, giáo dục không để học sinh vi phạm và tái phạm; rà soát các trường hợp thanh, thiếu niên, học sinh có biểu hiện đua xe, tụ tập gây rối trật tự công cộng đưa vào diện quản lý, giáo dục tại địa bàn cơ sở.
– Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, nhất là những vi phạm có nguy cơ gây tai nạn cho học sinh; đối với những trường hợp học sinh vi phạm, gửi thông báo về cho nhà trường để có hình thức xử lý và biện pháp giáo dục phù hợp; xử lý nghiêm các trường hợp phụ huynh đưa đón con em vi phạm trật tự, an toàn giao thông tại các tuyến gần khu vực trường học; kiên quyết không cho các phương tiện không bảo đảm an toàn dùng để vận chuyển, đưa đón học sinh. Từng địa phương căn cứ tình hình thực tiễn, hằng năm phải có kế hoạch cụ thể để kiểm soát chuyên đề này.
– Thường xuyên rà soát không gian mạng, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm liên quan đến cổ xúy cho vi phạm, đua xe, lạng lách, đánh võng và những hành vi khác ảnh hưởng tiêu cực đến thanh, thiếu niên.
Như vậy, tại Chỉ thị mới nhất thì Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông. Nếu phát hiện trường hợp học sinh vi phạm sẽ gửi thông báo về cho nhà trường để có hình thức xử lý và biện pháp giáo dục phù hợp.
2. Học sinh trung học vi phạm an toàn giao thông bị xếp loại hạnh kiểm ra sao?
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT:
Tiêu chuẩn xếp loại hạnh kiểm
…
4. Loại yếu:
Chưa đạt tiêu chuẩn xếp loại trung bình hoặc có một trong các khuyết điểm sau đây:
a) Có sai phạm với tính chất nghiêm trọng hoặc lặp lại nhiều lần trong việc thực hiện quy định tại Khoản 1 Điều này, được giáo dục nhưng chưa sửa chữa;
b) Vô lễ, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể của giáo viên, nhân viên nhà trường; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của bạn hoặc của người khác;
c) Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi;
d) Đánh nhau, gây rối trật tự, trị an trong nhà trường hoặc ngoài xã hội; vi phạm an toàn giao thông; gây thiệt hại tài sản công, tài sản của người khác.
Như vậy, học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông khi vi phạm an toàn giao thông sẽ bị xếp hạnh kiểm loại yếu.
3. Học sinh chưa đủ tuổi mà điều khiển xe mô tô, xe gắn máy bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ theo quy định tại Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP:
Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới
1. Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô.
…
4. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên;
b) Người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.
…
Như vậy, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy sẽ áp dụng hình thức xử phạt hành chính nhẹ nhất đó là phạt cảnh cáo. Từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên có thể bị phạt tiền từ 400.000 đồng lên đến 600.000 đồng.
Ngoài ra, căn cứ theo khoản 5 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, hành vi giao xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008 điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng) có thể chịu các mức phạt như sau:
– Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân là chủ phương tiện;
– Phạt tiền từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ phương tiện.
4. Câu hỏi thường gặp
Tại sao học sinh vi phạm giao thông lại được thông báo về trường?
Mục đích chính của việc thông báo về trường là để:
- Giáo dục: Nhắc nhở học sinh về tầm quan trọng của việc tuân thủ luật giao thông và ý thức được hậu quả của việc vi phạm.
- Phối hợp giáo dục: Nhà trường và gia đình cùng nhau giáo dục học sinh, giúp các em hình thành thói quen tốt.
- Ngăn chặn vi phạm tái diễn: Thông qua việc xử lý kỷ luật và các hình thức giáo dục khác, nhà trường hy vọng sẽ giảm thiểu tình trạng học sinh vi phạm giao thông.
Những hình thức xử lý nào có thể xảy ra khi học sinh bị thông báo về trường?
Hình thức xử lý sẽ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vi phạm và quy định của từng trường, có thể bao gồm:
- Khiển trách: Học sinh sẽ nhận được lời khiển trách trước lớp, trước trường hoặc bằng văn bản.
- Viết bản kiểm điểm: Học sinh phải viết bản kiểm điểm nhận lỗi và nêu ra các biện pháp khắc phục.
- Làm công ích: Học sinh có thể được phân công làm các công việc có ích cho trường, lớp.
- Thông báo cho phụ huynh: Nhà trường sẽ thông báo cho phụ huynh về hành vi vi phạm của con em mình.
- Các hình thức kỷ luật khác: Trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng, nhà trường có thể áp dụng các hình thức kỷ luật nặng hơn như đình chỉ học.
Phụ huynh có vai trò gì trong việc xử lý tình huống này?
Phụ huynh đóng vai trò vô cùng quan trọng:
- Cùng nhà trường giáo dục con em: Phụ huynh cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường để giáo dục con em về luật giao thông và ý thức trách nhiệm.
- Làm gương cho con: Phụ huynh nên làm gương tốt cho con bằng cách tuân thủ luật giao thông.
- Tạo điều kiện cho con học hỏi: Phụ huynh nên tạo điều kiện để con tham gia các hoạt động giáo dục về an toàn giao thông.
Hy vọng qua bài viết, Pháp lý xe đã giúp quý khách hàng hiểu rõ hơn về vấn đề Học sinh vi phạm an toàn giao thông có thông báo về trường không?. Đừng ngần ngại hãy liên hệ với Pháp lý xe nếu quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc gì cần tư vấn giải quyết.
Thông tin liên hệ:
Địa chỉ: 39 Hoàng Việt, Phường 04, Quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh
Mail: phaplyxe.vn@gmail.com