(PLO)- Trước thực trạng khó khăn trong việc chữa cháy đối với pin xe điện, đại biểu đề xuất các nơi ở, địa kinh doanh nên trang bị phương tiện chữa cháy phù hợp.
Chiều 9-9, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM tổ chức Hội thảo Góp ý dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH).
Thêm lực lượng công an cấp xã vào lực lượng PCCC nòng cốt
Tại Hội thảo, Trung tá Nguyễn Văn Hải, Phó Trưởng Khoa Quản lý hành chính và Trật tự xã hội (ĐH Cảnh sát Nhân dân) đề nghị bổ sung lực lượng công an cấp xã vào quy định bốn lực lượng nòng cốt trong công tác PCCC&CNCH tại Điều 37.
“Điều 37 quy định bốn lực lượng nòng cốt trong công tác PCCC, CNCH là kế thừa quy định hiện hành. Tuy nhiên, thực tế hiện nay tại cơ sở, lực lượng công an cấp xã là lực lượng tiếp nhận tin báo đầu tiên, trực tiếp chỉ huy tại nơi xảy ra cháy”- Trung tá Nguyễn Văn Hải nhấn mạnh vai trò của lực lượng công an xã.
Ngoài ra, tại Điều 19 quy định về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh, Trung tá Nguyễn Văn Hải kiến nghị Chính phủ nên có quy định chi tiết về khái niệm “ngăn cách” giữa khu vực nguy cơ cháy nổ và khu vực để ở.
Theo Trung tá Hải, việc quy định chi tiết khái niệm “ngăn cách” nhằm tránh tùy tiện, không thống nhất trong hướng dẫn, kiểm tra, xử lý trên thực tế vì mỗi địa phương sẽ hiểu theo cách khác nhau và hướng dẫn thực hiện khác nhau.
Tại Điều 58 của Dự thảo Luật PCCC&CNCH, Trung tá Nguyễn Văn Hải đề nghị quy định rõ hơn về hướng dẫn giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với những công trình trước đây không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật.
Trung tá Hải đánh giá, thực tế các công trình đã xây dựng trước đây không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn xây dựng dẫn đến bị đình chỉ và quá trình khắc phục, sửa chữa gặp rất nhiều khó khăn và tốn kém, ảnh hưởng đến lợi ích doanh nghiệp.
“Đề nghị quy định rõ hơn về điều này, vì thực tiễn cho thấy mỗi địa phương, mỗi cấp có hướng dẫn tăng cường giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy khác nhau, mất nhiều thời gian, chí phí. Nhiều cơ sở chấp nhận đóng cửa chứ không thể áp dụng các biện pháp tăng cường kỹ thuật bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy, dẫn đến cơ sở bị “bức tử”” – Trung tá Nguyễn Văn Hải góp ý kiến.
Đề xuất trang bị phương tiện chữa cháy pin xe điện
Nói về quy định liên quan đến lực lượng vũ trang cơ sở tham gia hoạt động PCCC, ông Nguyễn Công Chánh, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú cho biết, hiện nay quận Tân Phú đang thực hiện mô hình lực lượng vũ trang tham gia PCCC với 11 đội ở 11 phường.
“Tuy nhiên, năm 2023, quận đã nâng cấp đội lên CNCH nhưng quy định chưa chi tiết về trang, thiết bị cho các lực lượng này. Hiện trang thiết bị của lực lượng này chỉ mang tính tự chủ, linh hoạt từ nguồn kinh phí xã hội hóa chứ nhà nước chưa thực sự hỗ trợ nhiều cho lực lượng này”- Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú cho biết và kiến nghị dự thảo Luật PCCC&CNCH cần bổ sung thêm các quy định liên quan vì lực lượng cơ sở này hoạt động rất hiệu quả và kịp thời tại chỗ.
Góp ý về quy định phòng cháy trong lắp đặt, sử dụng điện tại khoản c Điều 22 của Dự thảo Luật PCCC&CNCH, ông Trần Hải Nguyên – Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 3, đề nghị bổ sung cụm từ “và có phương tiện chữa cháy phù hợp” đối với nơi ở có sử dụng phương tiện bằng điện.
“Trường hợp sử dụng thiết bị sạc xe điện thì thiết bị sạc phải đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, khu vực sạc xe điện phải có giấy phép ngăn cháy lan và có phương tiện chữa cháy phù hợp để bảo đảm an toàn về phòng cháy” – ông Nguyên đề xuất.
Theo ông Nguyên, trong trường hợp pin xe điện đang sạc cháy, kèm theo nổ, phương thức chữa cháy hiệu quả phải có lượng cát đủ để bao phủ hoặc sử dụng bình chữa cháy gốc nước, không chữa kịp thời dễ phát sinh cháy lan và cháy lớn.
(Nguồn: plo.vn)