Một số quy định mới tại Thông tư số 43/2023 (gọi tắt là Thông tư 43) vừa được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ban hành được xem là sự thay đổi phù hợp,…
… góp phần giảm tải cho các trung tâm đăng kiểm và “cởi trói” cho chủ sở hữu ô tô khi muốn “độ” thêm một vài bộ phận cho chiếc xe của riêng mình.
Ngày 29/12/2023, Bộ GTVT ban hành Thông tư 43/2023/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 85/2014/TT-BGTVT quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, Thông tư 42/2018/TT-BGTVT và Thông tư 16/2022/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư trong lĩnh vực đăng kiểm. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/2/2024.
rước đó tại Thông tư 85 quy định: Việc thay đổi một số chi tiết trên xe bao gồm thay đèn chiếu sáng không cùng loại với đèn chính hãng, lắp đèn sương mù rời đối với xe không có thiết kế đèn sương mù, thay thế lưới tản nhiệt (mặt ca lăng) sẽ bị xác định là cải tạo xe. Hành vi tự ý cải tạo xe mà không xin phép sẽ bị xử phạt theo quy định. Đồng thời, khi mang xe đến trung tâm đăng kiểm sẽ bị từ chối kiểm định, yêu cầu phải hoàn trả nguyên trạng ban đầu. Tuy nhiên, sau gần 10 năm thực hiện, nhu cầu về cải tạo phương tiện, yêu cầu về quản lý nhà nước đối với loại phương tiện cải tạo đã có nhiều thay đổi dẫn đến một số bất cập, không còn phù hợp với tình hình thực tế, cần sửa đổi, bổ sung.
Thông tư 43 vừa được ban hành có hiệu lực từ ngày 15/2/2024 quy định rõ các trường hợp xe cơ giới thay đổi chỉ liên quan đến nội thất và tính tiện nghi, không liên quan đến an toàn thì không coi là cải tạo xe cơ giới. Cụ thể, những trường hợp xe cơ giới có sự thay đổi nhưng không được coi là cải tạo bao gồm: Lắp đặt thêm đèn sương mù dạng rời; thay thế cụm đèn chiếu sáng phía trước bằng cụm đèn đã được chứng nhận hoặc công bố hợp quy; thay thế bóng đèn thuộc cụm đèn chiếu sáng phía trước bằng bóng đèn loại khác có công suất tiêu thụ điện tương đương; thay đổi các chi tiết, bộ phận thân vỏ là tùy chọn của nhà sản xuất xe nhưng không làm thay đổi kích thước bao ngoài của xe; thay đổi về kiểu dáng một số chi tiết của phần thân vỏ xe như lưới tản nhiệt trước xe, cánh lướt gió. Các trường hợp này vẫn được kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ để được cấp Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định để tham gia giao thông.
Thông tư 43 không chỉ thông thoáng hơn với chủ sở hữu phương tiện mà còn góp phần giảm tải, đẩy nhanh thủ tục kiểm định tại các trung tâm đăng kiểm. Hiện toàn tỉnh có 6 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đường bộ hoạt động theo hình thức xã hội hóa. Trung bình mỗi năm, các trung tâm này kiểm định cho khoảng hơn 100.000 lượt phương tiện ô tô các loại. Thông tư 43 được ban hành là hành lang pháp lý cần thiết góp phần giảm tải tại các trung tâm đăng kiểm và tạo thuận lợi cho chủ sở hữu phương tiện.
(nguồn:Báo Đắk Lắk Điện tử)