Tại Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông bản mới nhất, ban soạn thảo vẫn giữ đề xuất trẻ đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy song một số chuyên gia kiến nghị quy định trẻ từ đủ 15 tuổi cho phù hợp với tình hình thực tế.
Kiến nghị trẻ đủ 15 tuổi được điều khiển xe gắn máy
Tại dự thảo dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ mới nhất (ngày 18/5) sau khi tiếp thu các ý kiến đóng góp tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội thứ XV, Ban soạn thảo đã bổ sung, hoàn thiện quy định về tuổi của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Theo đó, vẫn giữ quy định Người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển loại xe này.
Hiện nay, nội dung này vẫn đang được thảo luận và nhận được nhiều quan tâm từ người dân.
Xoay quanh đề xuất trên, một số đơn vị, chuyên gia kiến nghị nên hạ độ tuổi người được điều khiển xe gắn máy, cụ thể, thay vì người đủ 16 tuổi trở lên, đề xuất quy định người đủ 15 tuổi trở lên.
Hiệp hội Ô tô, Xe máy, Xe đạp Việt Nam (VAMOBA) cho biết, theo Bộ Luật Lao động, độ tuổi lao động tối thiểu của người lao động là đủ 15 tuổi.
Dẫn chứng thêm kết quả nghiên cứu khoa học của TS Nguyễn Mạnh Toàn (Trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội) và ThS Phan Đình Tứ (Trường THPT Nguyễn Văn Cừ – Từ Sơn – Bắc Ninh) về thực trạng năng lực thể chất của học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Cừ (thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) cho thấy chiều cao, cân nặng của học sinh nam 15 tuổi là 161,02cm – 46,11kg, tương đương với thể chất của nam giới Việt Nam năm 2001. Chiều cao, cân nặng của học sinh nữ 15 tuổi là 153,58cm – 43,20kg, tương đương với thể chất của nữ giới Việt Nam năm 2001.
Từ đó, VAMOBA khẳng định: Học sinh 15 tuổi về cơ bản đủ sức khỏe để điều khiển xe gắn máy.
“Chưa kể, Bộ luật Hình sự 2015 quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đua xe trái phép. Như vậy, người đủ 15 tuổi đã phải chịu trách nhiệm hình sự do đó, họ phải ý thức được trách nhiệm khi điều khiển xe gắn máy”, Hiệp hội này nhấn mạnh.
Về nhu cầu sử dụng xe gắn máy của lứa tuổi này, theo VAMOBA, thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có 2.970 trường THPT trong năm học 2022-2023, trong đó, ở vùng nông thôn, miền núi, rất nhiều trẻ phải đi đến trường với khoảng cách xa từ vài km đến hàng chục km.
Mặt khác, theo số liệu của Tổng cục Dân số, tổng số trẻ sơ sinh năm 2009 là 1.292.587 và năm 2010 là 1.240.500 cháu (là lứa tuổi năm nay và năm 2025 đủ 15 tuổi).
“Như vậy có thể ước tính nếu Luật TTATGT đường bộ quy định độ tuổi được điều khiển xe gắn máy là người đủ 15 tuổi thì trong nửa cuối năm 2024 và năm 2025 cả nước sẽ có khoảng hơn 2,5 triệu em, dù là học sinh hay đi làm đều được sử dụng xe gắn máy để phục vụ công việc học tập hay sinh sống”, VAMOBA nhìn nhận.
Tổng hợp các nội dung trên, VAMOBA nhấn mạnh: Việc hạ tuổi người được điều khiển xe gắn máy đủ 15 tuổi là có tính khả thi và phù hợp với thực tế. Nếu luật hạn chế chỉ để người từ đủ 16 tuổi mới được điều khiển xe gắn máy đôi khi sẽ gây tình trạng “vi phạm pháp luật chủ động” do người dân chưa có phương tiện thay thế đáp ứng nhu cầu đi lại và để cho con cháu sử dụng xe gắn máy dù biết là sẽ vi phạm pháp luật, tạo ra ý thức không tốt về pháp luật của con em về sau.
Đồng quan điểm, lãnh đạo Trạm CSGT Hàm Yên, Phòng CSGT Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết, nhu cầu sử dụng xe gắn máy đối với trẻ từ 15 tuổi khá lớn, hiện nay, dù pháp luật chưa cho phép, song không ít trẻ ở vùng nông thôn vẫn sử dụng.
“Mặt khác, thể chất của trẻ ở độ tuổi này hiện nay đảm bảo đủ để điều khiển xe gắn máy. Nhiều trẻ học lớp 9 nhưng cao to hơn bố mẹ, việc điều khiển xe đạp điện trở nên “quá khổ” so với thân hình các em.
Trong khi đó, phương tiện vận tải công cộng ở các địa phương nông thôn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu đi học, đi làm của trẻ ở độ tuổi này, tính chất công việc của phụ huynh cũng là một rào cản trong sắp xếp đưa con đến trường và về nhà. Do đó, hạ độ tuổi, cho phép trẻ đủ 15 tuổi được điều khiển xe gắn máy là cần thiết và khả thi”, lãnh đạo Trạm CSGT Hàm Yên nhìn nhận.
Cách nào đảm bảo an toàn?
Để giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho trẻ, tại dự thảo Luật TTATGT cũng quy định: Bộ Giáo dục và đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và Bộ, ngành có liên quan xây dựng, tích hợp, lồng ghép kiến thức pháp luật về TTATGT đường bộ vào chương trình giảng dạy trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác phù hợp với từng ngành học, cấp học.
Cơ sở giáo dục mầm non, học sinh, sinh viên, các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân có trách nhiệm lồng ghép kiến thức pháp luật về TTATGT đường bộ vào chương trình chính khóa.
Trường trung học phổ thông và cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ trì, phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho học sinh tại cơ sở giáo dục đó.
Hiệp hội Ô tô, Xe máy, Xe đạp Việt Nam cho biết, khi đề xuất người đủ 15 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy, bên cạnh tăng cường tuyên truyền và giáo dục pháp luật về TTATGT, cơ quan chức năng cũng cần đào tạo kỹ năng điều khiển xe gắn máy cho lứa tuổi này, coi như một môn học cho bậc trung học phổ thông.
Ngoài ra, cũng kiến nghị tất cả các loại xe có gắn động cơ đều phải gắn biển kiểm soát nhằm này đảm bảo các loại xe lưu thông trên đường cơ bản theo tiêu chuẩn kĩ thuật quy định, đồng thời tránh tình trạng xe không nguồn gốc xuất xứ, thất thoát thuế của Nhà nước và cơ quan chức năng khó quản lý.
Trong khi đó, lãnh đạo Trạm CSGT Hàm Yên cho rằng vẫn nên có bài thi, cấp chứng chỉ hoặc GPLX cho người đủ 15 tuổi trở lên điều khiển xe gắn máy để nâng cao tính chủ động, học tập nghiêm túc kiến thức pháp luật về TTATGT và kỹ năng lái xe an toàn cho đối tượng này. Từ đó, góp phần đảm bảo ATGT, kéo giảm TNGT.
“Khi họ đủ 18 tuổi được điều khiển xe mô tô, có thể thực hiện nâng hạng GPLX với chương trình đào tạo đơn giản hơn bởi sau 3 năm điều khiển xe đã tích lũy cơ bản kiến thức cũng như có kinh nghiệm trong điều khiển xe gắn động cơ”, lãnh đạo Trạm CSGT Hàm Yên nói.
(Nguồn: baogiaothong.vn)