Tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông mới nhất, Bộ Công an đề xuất xe ô tô kinh doanh vận tải được kết hợp đưa đón học sinh, trẻ em mầm non nhưng phải đáp ứng một số yêu cầu nhằm đảm bảo an toàn cho các em.Cần yêu cầu nào?
Tại dự thảo dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ mới nhất, sau khi tiếp thu các ý kiến đóng góp tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội thứ XV, Ban soạn thảo đã bổ sung, hoàn thiện quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với xe ô tô chở học sinh, trẻ em mầm non.
Theo đó, xe ô tô kinh doanh vận tải chở học sinh, trẻ em mầm non phải đáp ứng các yêu cầu: Bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định; Lắp thiết bị giám sát hành trình, xe ô tô chở người từ 8 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) phải lắp thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe.
Ngoài ra, xe phải có niên hạn sử dụng không quá 20 năm; có màu sơn theo quy định của Chính phủ.
Xe ô tô chở học sinh tiểu học hoặc trẻ em mầm non phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi theo quy định
Đáng chú ý, dự thảo cũng quy định: Xe ô tô kinh doanh vận tải được kết hợp với hoạt động đưa đón học sinh, trẻ em mầm non; nhưng phải lắp thiết bị giám sát hành trình, lắp thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe (nếu là ô tô chở người từ 8 chỗ trở lên không kể chỗ của người lái xe). Trường hợp chở học sinh tiểu học, trẻ em mầm non phải có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi theo quy định.
Để tăng cường sự giám sát, đảm bảo an toàn cho trẻ khi đi xe đưa đón, dự thảo quy định: Khi đưa đón học sinh tiểu học, trẻ em mầm non phải bố trí tối thiểu 1 người quản lý trên mỗi xe ô tô để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho học sinh tiểu học, trẻ em mầm non trong suốt chuyến đi.
Trường hợp xe trên 30 chỗ và chở trên 29 học sinh tiểu học và trẻ em mầm non phải bố trí tối thiểu 2 người quản lý trên mỗi xe ô tô. Không được để học sinh tiểu học, trẻ em mầm non trên xe khi người lái xe và người quản lý đã rời xe.
Lái xe ô tô đưa đón học sinh, trẻ em mầm non phải có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm lái xe vận tải hành khách.
Bên cạnh đó, cơ sở giáo dục, đào tạo phải xây dựng, tập huấn cho cho lái xe và người quản lý học sinh, trẻ em mầm non nắm vững và thực hiện đúng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón học sinh, trẻ em mầm non. Chịu trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi tổ chức đưa đón học sinh, trẻ em mầm non của đơn vị mình.
Đặc biệt, xe đưa đón học sinh, trẻ em mầm non được ưu tiên trong tổ chức, phân luồng, điều tiết giao thông, bố trí nơi dừng, đỗ tại khu vực trường học và tại các điểm trên lộ trình đưa đón học sinh.
Đột phá trong xây dựng xe buýt trường học
Theo ban soạn thảo, với những đề xuất mới này sẽ giúp xác định rõ và phân biệt loại phương tiện đưa đón học sinh với các loại hình kinh doanh vận tải hành khách khác. Từ đó, có cơ chế để quản lý chặt chẽ hơn.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông luật cũng nhìn nhận: Những quy định về loại hình vận tải đưa, đón học sinh trong dự thảo Luật sẽ tăng cường công tác quản lý đối với loại phương tiện này. Đồng thời, việc quy định rõ trách nhiệm của cơ sở giáo dục, lái xe và người giám sát sẽ góp phần bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh.
Đồng quan điểm, chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh: Học sinh, trẻ em mầm non là những đối tượng hành khách đặc biệt do đó, việc quy định về những ưu tiên của ô tô đưa đón các em trong tham gia giao thông là cần thiết.
Trong khi đó, lãnh đạo Đội CSGT đường bộ số 9 – Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho rằng, những đề xuất tại dự thảo Luật TTATGT là những điểm mới rất cần thiết, có thể coi là bước đột phá trong xây dựng hệ thống xe buýt trường học ở Việt Nam, là cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển dịch vụ vận tải mới chuyên biệt.
(Nguồn: baogiaothong.vn)