Vượt đèn đỏ là một trong những vi phạm giao thông nghiêm trọng, không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân người lái mà còn ảnh hưởng đến an toàn của những người tham gia giao thông khác. Một câu hỏi thường được đặt ra là: Lỗi vượt đèn đỏ có bị giữ bằng lái không? Bài viết này Pháp lý xe sẽ cung cấp sẽ cung cấp thông tin chi tiết về vấn đề này.
1. Lỗi vượt đèn đỏ có bị giữ bằng không?
Căn cứ theo khoản 15 Điều 6 và khoản 13 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP thì lỗi vượt đèn đỏ không nằm trong các trường hợp vi phạm bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như giam xe, tạm giữ giấy tờ, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe.
- Cần lưu ý rằng, lỗi vượt đèn đỏ tuy không nằm trong các vi phạm bị giữ bằng nhưng ngoài bị xử phạt hành chính thì người vi phạm còn bị trừ điểm trên giấy phép lái xe căn cứ vào điểm b khoản 13 Điều 7 Nghị định này.
- Nếu giấy phép lái xe bị trừ hết điểm thì người có giấy phép lái xe không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ sau thời hạn ít nhất là 06 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người có giấy phép lái xe được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ do lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm căn cứ theo khoản 2 Điều 58 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024
Ngoài việc phạt tiền, người vi phạm còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung bị trừ điểm giấy phép lái xe (GPLX) theo quy định tại Nghị định này như sau:
Đối với xe ô tô mức trừ điểm giấy phép lái xe (GPLX) theo quy định tại điểm b và điểm d khoản 16 Điều 6 Nghị định này như sau:
- Vượt đèn đỏ đối với xe ô tô: Trừ 4 điểm GPLX.
- Vượt đèn đỏ đối với xe ô tô mà gây tai nạn giao thông: Trừ 10 điểm GPLX.
Và mức trừ điểm giấy phép lái xe của người điều khiển phương tiện xe gắn máy theo quy định tại điểm b và điểm d khoản 13 Điều 7 Nghị định này như sau:
- Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông: Trừ 4 điểm GPLX.
- Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông gây tai nạn giao thông: Trừ 10 điểm GPLX.
Người điều khiển phương tiện xe gắn máy và xe đạp, phương tiện thô sơ không có quy định về mức trừ điểm giấy phép lái xe tại ghị định. Vậy khi vượt đèn đỏ các phương tiện này không bị trừ điểm GPLX.
2. Mức phạt tiền đối với lỗi vượt đèn đỏ
Từ ngày 1/1/2025, theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP, mức phạt tiền đối với hành vi vượt đèn đỏ đã được điều chỉnh tăng đáng kể nhằm nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của người dân. Đối với mỗi loại phương tiện khác nhau và mức nghiêm trọng của hành vi gây ra thì mức xử phạt cũng có sự khác biệt nhất định.
2.1. Mức phạt đối với xe ô tô
Căn cứ theo điểm b khoản 9 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP thì mức phạt cho người điều khiển xe ô tô khi vượt đèn đỏ là:
- Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông: Phạt tiền từ 18.000.000 đến 20.000.000 đồng.
Trường hợp người đi xe ô tô vượt đèn đỏ mà gây tai nạn giao thông thì bị xử phạt theo quy định tại điểm b khoản 10 Điều 6 Nghị định này:
- Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông gây tai nạn giao thông: Phạt tiền từ 20.000.000 đến 22.000.000 đồng.
2.2. Mức phạt đối với xe mô tô, xe gắn máy
Căn cứ theo điểm c khoản 7 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP thì mức phạt cho người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi vượt đèn đỏ là:
- Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông: Phạt tiền từ 4.000.000 đến 6.000.000 đồng.
Trường hợp người đi xe máy vượt đèn đỏ mà gây tai nạn giao thông thì bị xử phạt theo quy định tại điểm b khoản 10 Điều 7 Nghị định này:
- Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông gây tai nạn giao thông: Phạt tiền từ 10.000.000 đến 14.000.000 đồng.
2.3. Mức phạt đối với xe máy chuyên dùng
Căn cứ theo điểm c khoản 7 Điều 8 Nghị định 168/2024/NĐ-CP thì mức phạt cho người điều khiển xe máy chuyên dùng khi vượt đèn đỏ là:
- Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông: Phạt tiền từ 6.000.000 đến 8.000.000 đồng.
Trường hợp người đi xe máy vượt đèn đỏ mà gây tai nạn giao thông thì bị xử phạt theo quy định tại điểm d khoản 8 Điều 8 Nghị định này:
- Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông gây tai nạn giao thông: Phạt tiền từ 14.000.000 đến 16.000.000 đồng.
2.4. Mức phạt đối với xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác
Căn cứ theo điểm d khoản 2 Điều 9 Nghị định 168/2024/NĐ-CP thì mức phạt cho người điều khiển xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác khi vượt đèn đỏ là:
- Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông: Phạt tiền từ 150.000 đến 200.000 đồng.
>>>> Xem thêm bài viết về Tổng hợp các quy định xử phạt vi phạm giao thông
3. Lưu ý để tránh vi phạm lỗi vượt đèn đỏ
Để tránh mắc lỗi vượt đèn đỏ và đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, bạn cần lưu ý những điểm sau:
- Chú ý quan sát tín hiệu giao thông và đặc biệt quan sát kỹ đèn tín hiệu khi đến gần ngã tư hoặc giao lộ. Khi đèn tín hiệu chuyển từ vàng sang đỏ, cần dừng lại ngay trước vạch dừng, không cố tăng tốc để vượt qua.
- Giảm tốc độ khi đến giao lộ. Trước khi đến gần ngã tư, hãy giảm tốc độ để có đủ thời gian quan sát tín hiệu giao thông và các biển báo liên quan.
- Tuân thủ biển báo và vạch kẻ đường. Tìm hiểu ý nghĩa các biển báo giao thông để biết khi nào được phép đi tiếp hoặc phải dừng lại. Dừng đúng vạch dừng khi đèn đỏ để tránh bị xử phạt.
- Không bị phân tâm khi lái xe. Tránh sử dụng điện thoại hoặc thực hiện các hành động gây mất tập trung khi lái xe. Điều này giúp bạn phản ứng kịp thời với tín hiệu đèn giao thông.
- Tính toán thời gian và lộ trình di chuyển. Nếu có việc gấp, hãy khởi hành sớm để tránh áp lực về thời gian, không cố vượt đèn đỏ để đến nơi nhanh hơn.
- Một số trường hợp đặc biệt, như xe cứu thương, xe cảnh sát đang làm nhiệm vụ có quyền vượt đèn đỏ, nhưng các phương tiện khác phải nhường đường.
- Luôn đặt an toàn lên hàng đầu. Dù vội vàng đến đâu, cũng không được vượt đèn đỏ, vì hành động này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh.
Việc tuân thủ các lưu ý trên không chỉ giúp bạn tránh bị xử phạt mà còn đảm bảo an toàn cho chính mình và cộng đồng khi tham gia giao thông.
- Câu hỏi thường gặp
Mức phạt có thay đổi theo từng địa phương không?
Mức phạt được quy định chung trên toàn quốc theo Nghị định của Chính phủ, không thay đổi theo địa phương.
Vượt đèn đỏ có bị giữ bằng lái xe không?
Không, vượt đèn đỏ bị trừ điểm GPLX theo khoản 15 Điều 6 và khoản 13 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP. Nếu bị trừ hết điểm trong GPLX bạn không được điều khiển phương tiện ít nhất là 06 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, cần tham gia kiểm tra kiến thức an toàn giao thông, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.
Vượt đèn đỏ khi đèn tín hiệu vừa chuyển từ vàng sang đỏ có bị phạt không?
Có, nếu đèn tín hiệu đã chuyển sang đỏ mà phương tiện vẫn tiếp tục di chuyển qua giao lộ, hành vi này sẽ bị xem là vi phạm lỗi vượt đèn đỏ và bị xử phạt theo quy định.
Việc vượt đèn đỏ không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân mà còn ảnh hưởng đến an toàn giao thông của cộng đồng. Bằng cách tuân thủ luật giao thông, đặc biệt là các quy định liên quan đến tín hiệu đèn, mỗi người có thể góp phần xây dựng môi trường giao thông an toàn và văn minh. Hy vọng những thông tin mà Pháp lý xe cung cấp qua bài viết trên sẽ giải đáp cho độc giả hiểu được về thắc mắc Lỗi vượt đèn đỏ có bị giữ bằng không? Hãy luôn ưu tiên an toàn lên hàng đầu và thực hiện nghiêm túc các quy định để bảo vệ chính mình và những người xung quanh!