Các biển báo giao thông được thiết kế để giúp người lái xe dễ dàng nhận biết và điều chỉnh hành vi phù hợp giúp người tham gia giao thông có thể biết trước được đoạn đường mà họ chuẩn bị nhập vào. Điển hình như đường cụt, nếu không có biển báo thì người điều khiển phương tiện có thể sẽ gặp tình huống khó xử. Vậy trong bài viết này, Pháp lý xe sẽ cùng bạn tìm hiểu về biển báo đường cụt theo góc nhìn pháp lý.
1. Biển báo đường cụt là biển báo nào?
Căn cứ khoản 40.1 Điều 40 Chương 7 Phần 2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT về báo hiệu đường bộ quy định:
“– Biển số I.405 (a,b,c): Đường cụt”.
Vậy biển báo đường cụt là biển số I.405 (a,b,c). Cụ thể tại Phụ lục E Phần 4 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT quy định về biển báo đường cụt như sau:
- Biển số I.405 (a,b) để chỉ lối rẽ vào đường cụt tùy theo lối rẽ vào đường cụt mà chọn kiểu biển cho phù hợp, biển này đặt trên đường chính trước khi đến nơi đường giao nhau để rẽ vào đường cụt.
- Biển số I.405c để chỉ dẫn phía trước là đường cụt, biển này đặt trước đường cụt 300m đến 500m và cứ 100m phải đặt thêm một biển.
- Đường cụt là những đường xe không thể tiếp tục đi qua được, những đường cụt có thể là những ngõ cụt (ở trong khu đông dân cư); đường hoặc cầu bị đứt do thiên tai, địch họa hoặc đường tránh dự phòng mà mà tại vị trí vượt sông, suối chưa có phương tiện vượt sông; đường đi vào cầu nhưng cầu hỏng v.v…
Lưu ý: Những đường cụt mà xe cộ không thể đi vào được hoặc không sử dụng thì không đặt biển đường cụt mà phải rào chắn ngay tại nơi đường giao nhau và đặt biển số P.101 “Đường cấm”.
Căn cứ theo quy định trên, biển báo đường cụt bao gồm I.405a, I.405b và I.405c và từng loại sẽ được sử dụng tùy theo các mục đích mà pháp luật quy định như trên.
2. Ý nghĩa của biển báo giao thông
Theo Điều 15 Chương 3 Phần 2 Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT, mỗi loại biển báo giao thông lại mang những ý nghĩa khác nhau. Cụ thể:
- Nhóm biển báo cấm: Biểu thị các điều cấm mà người tham gia giao thông không được vi phạm.
- Nhóm biển hiệu lệnh: Báo cho người điều khiển phương tiện biết các điều bắt buộc phải chấp hành khi tham gia giao thông.
- Nhóm biển báo nguy hiểm và cảnh báo: Dùng để báo cho người điều khiển phương tiện biết trước tính chất của sự nguy hiểm hoặc các điều cần chú ý phòng ngừa trên tuyến đường tham gia giao thông để chủ động phòng ngừa kịp thời tai nạn.
- Nhóm biển chỉ dẫn: Dùng để chỉ dẫn hướng đi hoặc các điều cần thiết nhằm giúp việc điều khiển phương tiện và hướng dẫn giao thông trên đường được thuận lợi, đảm bảo an toàn.
- Nhóm biển phụ, biển viết bằng chữ: Dùng để thuyết minh bổ sung nội dung cho các nhóm biển còn lại.
Như vậy, mỗi loại biển báo giao thông sẽ có ý nghĩa và mục đích riêng để sử dụng cho những trường hợp phù hợp để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông cho người tham gia giao thông.
>>> Tìm hiểu thêm Ý nghĩa của biển hết mọi lệnh cấm do Pháp lý xe giải đáp.
3. Mức phạt vi phạm không tuân thủ biển báo giao thông
Theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm đối với lỗi không tuân thủ biển báo giao thông tùy theo các phương tiện vi phạm như sau:
3.1. Đối với xe ô tô
Căn cứ Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định mức phạt đối với người điều khiển xe ô tô khi không tuân thủ biển báo giao thông như sau:
- Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng khi thực hiện hành vi: Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP.
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi thực hiện một trong các hành vi:
- Quay đầu xe tại nơi có biển báo hiệu có nội dung cấm quay đầu đối với loại phương tiện đang điều khiển; điều khiển xe rẽ trái tại nơi có biển báo hiệu có nội dung cấm rẽ trái đối với loại phương tiện đang điều khiển; điều khiển xe rẽ phải tại nơi có biển báo hiệu có nội dung cấm rẽ phải đối với loại phương tiện đang điều khiển.
- Không giữ khoảng cách an toàn để xảy ra va chạm với xe chạy liền trước hoặc không giữ khoảng cách theo quy định của biển báo hiệu “Cự ly tối thiểu giữa hai xe”, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 5 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP.
- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng khi thực hiện một trong các hành vi:
- Vượt xe trong những trường hợp không được vượt, vượt xe tại đoạn đường có biển báo hiệu có nội dung cấm vượt (đối với loại phương tiện đang điều khiển); không có tín hiệu trước khi vượt hoặc có tín hiệu vượt xe nhưng không sử dụng trong suốt quá trình vượt xe; vượt bên phải xe khác trong trường hợp không được phép.
- Đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 9, điểm đ khoản 11 Điều này, hành vi bị cấm đi vào công trình thủy lợi và các trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 22.000.000 đồng khi thực hiện hành vi: Điều khiển xe không quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại để bảo đảm an toàn theo quy định mà gây tai nạn giao thông; điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông; dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe, lùi xe, tránh xe, vượt xe, chuyển hướng, chuyển làn đường không đúng quy định gây tai nạn giao thông; không đi đúng phần đường, làn đường, không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định gây tai nạn giao thông hoặc đi vào đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển gây tai nạn giao thông, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 11 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP.
3.2. Đối với xe mô tô, xe gắn máy
Căn cứ Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định mức xử phạt vi phạm đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi không tuân thủ hiệu lệnh của biển báo giao thông như sau:
- Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng khi thực hiện hành vi: Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP.
- Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng khi thực hiện một trong những hành vi:
- Chuyển hướng không quan sát hoặc không bảo đảm khoảng cách an toàn với xe phía sau hoặc không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ hoặc có tín hiệu báo hướng rẽ nhưng không sử dụng liên tục trong quá trình chuyển hướng (trừ trường hợp điều khiển xe đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức); điều khiển xe rẽ trái tại nơi có biển báo hiệu có nội dung cấm rẽ trái đối với loại phương tiện đang điều khiển; điều khiển xe rẽ phải tại nơi có biển báo hiệu có nội dung cấm rẽ phải đối với loại phương tiện đang điều khiển.
- Không giữ khoảng cách an toàn để xảy ra va chạm với xe chạy liền trước hoặc không giữ khoảng cách theo quy định của biển báo hiệu “Cự ly tối thiểu giữa hai xe”.
- Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng khi thực hiện hành vi: Vượt xe trong những trường hợp không được vượt, vượt xe tại đoạn đường có biển báo hiệu có nội dung cấm vượt đối với loại phương tiện đang điều khiển, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP.
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi thực hiện hành vi: Đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b khoản 7 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP và các trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng khi thực hiện hành vi: Điều khiển xe không quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại để bảo đảm an toàn theo quy định mà gây tai nạn giao thông; điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông; đi vào đường cao tốc, dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe, lùi xe, vượt xe, chuyển hướng, chuyển làn đường không đúng quy định gây tai nạn giao thông; không đi đúng phần đường, làn đường, không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định gây tai nạn giao thông hoặc đi vào đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển, đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều” gây tai nạn giao thông.
3.3. Đối với xe máy chuyên dùng
Căn cứ Điều 8 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định mức phạt đối với người điều khiển xe máy chuyên dùng khi không tuân thủ hiệu lệnh của biển báo giao thông như sau:
- Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng: Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định 168/2024/NĐ-CP.
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng khi thực hiện một trong các hành vi sau:
- Quay đầu xe tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt; quay đầu xe tại nơi đường hẹp, đường dốc, đoạn đường cong tầm nhìn bị che khuất, nơi có biển báo hiệu có nội dung cấm quay đầu đối với loại phương tiện đang điều khiển; điều khiển xe rẽ trái tại nơi có biển báo hiệu có nội dung cấm rẽ trái đối với loại phương tiện đang điều khiển; điều khiển xe rẽ phải tại nơi có biển báo hiệu có nội dung cấm rẽ phải đối với loại phương tiện đang điều khiển.
- Quay đầu xe ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường, trên cầu, đầu cầu, ngầm, gầm cầu vượt, trừ khi có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông hoặc chỉ dẫn của biển báo hiệu tạm thời hoặc tổ chức giao thông tại những khu vực này có bố trí nơi quay đầu xe.
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng khi thực hiện hành vi: Đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 7, điểm đ khoản 9 Điều 8 Nghị định 168/2024/NĐ-CP và các trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định.
- Phạt tiền từ 14.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng khi thực hiện hành vi: Điều khiển xe không quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại để bảo đảm an toàn theo quy định mà gây tai nạn giao thông; điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông; dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe, lùi xe, tránh xe, vượt xe, chuyển hướng, chuyển làn đường không đúng quy định gây tai nạn giao thông; mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn gây tai nạn giao thông; không đi đúng phần đường, làn đường, không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định gây tai nạn giao thông hoặc đi vào đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển, đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều” gây tai nạn giao thông, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 8, điểm đ khoản 9 Điều 8 Nghị định 168/2024/NĐ-CP.
3.4. Đối với xe đạp, xe đạp máy
Căn cứ Điều 9 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy về lỗi không tuân thủ biển báo giao thông như sau:
- Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng khi thực hiện hành vi: Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 2, điểm c khoản 3 Điều 9 Nghị định 168/2024/NĐ-CP.
- Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng khi thực hiện hành vi: Đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển; đi ngược chiều đường của đường một chiều, đường có biển “Cấm đi ngược chiều”.
3.5. Những người tham gia giao thông khác
- Căn cứ Điều 10 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng đối với người đi bộ thực hiện hành vi: Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều 10 Nghị định 168/2024/NĐ-CP.
- Căn cứ Điều 11 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng khi người điều khiển, dẫn dắt vật nuôi, điều khiển xe vật nuôi vi phạm: Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định 168/2024/NĐ-CP.
Các quy định trên trong Nghị định 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 đã cho thấy rõ về mức xử phạt đối với từng phương tiện tham gia giao thông vi phạm lỗi không tuân thủ hiệu lệnh của biển báo giao thông với các mức phạt khác nhau tùy vào mức độ vi phạm được quy định.
>>> Xem thêm: Biển báo giao thông đường một chiều và mức phạt tại đây.
4. Câu hỏi thường gặp
Biển báo đường cụt xuất hiện ở đâu?
Biển báo này thường xuất hiện ở những con đường hoặc khu vực có kết thúc đột ngột, không có lối ra tiếp theo hoặc những khu vực đang thi công, sửa chữa.
Có thể thay thế biển báo đường cụt bằng các biển báo khác không?
Có thể. Trong một số trường hợp, biển báo đường cụt có thể được thay thế bằng các biển báo khác như biển cấm đi tiếp hoặc biển báo đường dành riêng cho một loại phương tiện, tùy thuộc vào tình huống cụ thể.
Biển báo đường cụt có thể bị che khuất bởi các yếu tố khác không?
Có thể. Các yếu tố như cây cối, biển quảng cáo, hoặc điều kiện thời tiết có thể che khuất biển báo. Vì vậy, người lái xe cần luôn chú ý quan sát xung quanh để nhận diện các biển báo kịp thời.
Pháp lý xe đã cung cấp những thông tin cần thiết và có thể hữu ích đối với bạn trong quá trình tìm hiểu biển báo đường cụt là biển nào, có đặc điểm thế nào và nếu không tuân thủ sẽ bị phạt bao nhiêu. Nếu bạn còn bất cứ câu hỏi nào về loại biển báo đường cụt này hay các vấn đề khác có liên quan đến biển báo thì hãy liên hệ với chúng tôi qua số hotline để nhận được câu trả lời sớm nhất.