“Bạn đang có nhu cầu vận chuyển hàng hóa hoặc nhân sự nội bộ bằng xe ô tô và đang băn khoăn về hồ sơ, thủ tục xin cấp phù hiệu xe nội bộ. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin chi tiết và hướng dẫn cụ thể để hoàn thành thủ tục một cách nhanh chóng và thuận lợi nhất.
1. Quy định về xe nội bộ và phù hiệu cho xe nội bộ
1.1. Xe nội bộ là gì?
Theo Điều 48 Thông tư 63/2014/TT-BGTVT quy định:
“Điều 48. Quy định về xe ô tô vận tải người nội bộ
Xe ô tô vận tải người nội bộ có sức chứa từ 16 chỗ ngồi trở lên phải đảm bảo các yêu cầu sau:
- Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, xe ô tô vận tải người nội bộ phải có phù hiệu “XE NỘI BỘ” theo mẫu quy định tại Phụ lục 23 của Thông tư này.
- Trên xe có trang bị dụng cụ thoát hiểm, bình chữa cháy còn sử dụng được và còn hạn theo quy định.
- Số lượng, chất lượng, cách bố trí ghế ngồi trong xe phải đảm bảo đúng theo thiết kế của xe.”
Theo đó, xe nội bộ là xe ô tô vận tải người nội bộ và phải đáp ứng những yêu cầu tại Điều 48 Thông tư 63/2014/TT-BGTVT.
1.2. Phù hiệu cho xe nội bộ là gì?
Phù hiệu xe nội bộ là tem xe được gắn cho xe ô tô vận tải người nội bộ. Đây là một mẫu chứng nhận được Sở Giao thông Vận tải cấp, có thời hạn nhất định.
Phù hiệu xe nội bộ được gắn ở trên kính chắn gió phía bên phải lái xe, là nơi dễ quan sát. Phù hiệu xe phải được bảo quản kỹ càng, không được phép tẩy xóa hoặc sửa chữa các thông tin trên phù hiệu, biển hiệu khác với thông tin so với lúc đăng ký phù hiệu.
2. Điều kiện xin cấp phù hiệu xe nội bộ
Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà sở giao thông vận tải đưa ra quy định khác nhau. Cụ thể:
Đối với xe ô tô vận tải người nội bộ
Xe ô tô vận tải người nội bộ có sức chứa 16 chỗ ngồi trở lên.
Từ ngày 01/01/2016, xe ô tô vận tải người nội bộ phải gắn phù hiệu xe nội bộ.
Xe được trang bị đầy dụng cụ thoát hiểm, bình chữa cháy còn sử dụng được theo quy định.
Số lượng, chất lượng, cách bố trí ghế ngồi trong xe phải đúng thiết kế của xe.
Trường hợp đơn vị có xe ô tô vận tải người nội bộ
Xe chỉ sử dụng để vận chuyển cán bộ, công nhân viên, người lao động hoặc học sinh, sinh viên của đơn vị mình.
Xe có phù hiệu “XE NỘI BỘ” không sử dụng vào mục đích kinh doanh vận tải hành khách hoặc cho thuê để vận chuyển hành khách.
Xây dựng kế hoạch bảo dưỡng phương tiện đảm bảo các phương tiện theo quy định.
Lập hồ sơ lý lịch phương tiện để ghi chép, theo dõi quá trình hoạt động và bảo dưỡng, sửa chữa (theo mẫu).
Tuyển chọn tài chế đủ tiêu chí sức khoẻ và tổ chức khám sức khỏe theo quy định.
3. Hồ sơ và thủ tục cấp phù hiệu cho xe nội bộ
Để được cấp phù hiệu xe nội bộ, chủ phương tiện hoặc đơn vị kinh doanh vận tải cần chuẩn bị hồ sơ để nộp trực tiếp tại sở GTVT địa phương hoặc gửi hồ sơ qua đường bưu điện. Cụ thể:
- Giấy đề nghị cấp phù hiệu theo mẫu quy định tại Phụ lục 24 của Thông tư này.
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký doanh nghiệp (Bản sao kèm bản chính hoặc bản sao có chứng thực).
- Giấy đăng ký xe ô tô.
- Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Nơi nhận hồ sơ:
Đơn vị có xe ô tô vận tải nội bộ gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp phù hiệu đến Sở Giao thông vận tải nơi đơn vị đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.
Thời gian giải quyết:
Kể từ khi nhận hồ sơ đúng quy định, trong thời hạn 02 ngày làm việc đối với phương tiện mang biển đăng ký tại địa phương nơi giải quyết thủ tục hành chính và 08 ngày làm việc đối với phương tiện mang biển số đăng ký không thuộc địa phương nơi giải quyết thủ tục hành chính, Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm cấp phù hiệu cho đơn vị kinh doanh vận tải, đơn vị có xe nội bộ.
Trường hợp từ chối không cấp, Sở Giao thông vận tải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
3. Thời hạn sử dụng phù hiệu “XE NỘI BỘ”
Thời hạn có giá trị của phù hiệu “XE NỘI BỘ” theo quy định tại Khoản 2 Điều 54 Thông tư 63/2014/TT-BGTVT là có giá trị không quá 07 năm và không quá niên hạn sử dụng của phương tiện.
4. Xử phạt hành vi vi phạm gắn phù hiệu cho xe nội bộ
Việc gắn phù hiệu xe đối với xe nội bộ thì phải được thực hiện trước ngày 1/7/2018. Đối với hành điều khiển xe nội bộ trên đường mà không gắn phù hiệu xe, phù hiệu xe hết hạn, khi bị kiểm tra vẫn sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Cụ thể:
Xử phạt với người điều khiển xe:
- Điều khiển xe chở hành khách không có hoặc không gắn phù hiệu (biển hiệu) theo quy định hoặc có nhưng đã hết giá trị sử dụng hoặc sử dụng phù hiệu (biển hiệu) không do cơ quan có thẩm quyền cấp: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng;
- Điều khiển xe ô tô tải, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vận chuyển hàng hóa không có hoặc không gắn phù hiệu theo quy định (đối với loại xe có quy định phải gắn phù hiệu) hoặc có phù hiệu nhưng đã hết giá trị sử dụng hoặc sử dụng phù hiệu không do cơ quan có thẩm quyền cấp: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Xử phạt đối với chủ xe:
- Giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điểm d, Điểm đ Khoản 6 Điều 23; Điểm b, Điểm c Khoản 5 Điều 24 Nghị định này hoặc trực tiếp điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điểm d, Điểm đ Khoản 6 Điều 23; Điểm b, Điểm c Khoản 5 Điều 24 Nghị định này: Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô.
5. Trách nhiệm của chủ xe/ đơn vị có xe ô tô vận tải người nội bộ
Trách nhiệm của chủ xe/ đơn vị có xe ô tô vận tải người nội bộ được quy định tại Điều 49 Thông tư 63/2014/TT-BGTVT, bao gồm:
- Chỉ được sử dụng xe để vận chuyển cán bộ, công nhân viên, người lao động hoặc học sinh, sinh viên của đơn vị mình.
- Không được sử dụng xe có phù hiệu “XE NỘI BỘ” để kinh doanh vận tải hành khách hoặc cho thuê để vận chuyển hành khách.
- Xây dựng kế hoạch bảo dưỡng phương tiện đảm bảo các phương tiện phải được bảo dưỡng theo quy định.
- Lập Hồ sơ lý lịch phương tiện để ghi chép, theo dõi quá trình hoạt động và bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 của Thông tư này.
- Tổ chức khám sức khỏe cho lái xe và sử dụng lái xe đủ sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế.
6. Các câu hỏi thường gặp
Quy định về Cấp Phù Hiệu Cho Xe Nội Bộ đối với xe ô tô vận tải người nội bộ?
Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, xe ô tô vận tải người nội bộ phải có phù hiệu “XE NỘI BỘ” theo mẫu quy định. Trên xe có trang bị dụng cụ thoát hiểm, bình chữa cháy còn sử dụng được và còn hạn theo quy định. Số lượng, chất lượng, cách bố trí ghế ngồi trong xe phải đảm bảo đúng theo thiết kế của xe.
Thời hạn giải quyết Cấp Phù Hiệu Cho Xe Nội Bộ?
– Đối với phương tiện mang biển đăng ký tại địa phương : 02 ngày làm việc
– Đối với phương tiện mang biển số đăng ký không thuộc địa phương : 08 ngày làm việc
Cơ quan thực hiện Cấp Phù Hiệu Cho Xe Nội Bộ?
Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Sở Giao thông vận tải; Cơ quan hoặc người có thẩm quyền được uỷ quyền hoặc phân cấp thực hiện: Không có;
Cơ quan trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính: Sở Giao thông vận tải; Cơ quan phối hợp: Sở Giao thông vận tải nơi mang biển số đăng ký của phương tiện.
Có những mẫu đơn, mẫu tờ khai Cấp Phù Hiệu Cho Xe Nội Bộ nào?
– GIẤY ĐỀ NGHỊ CẤP LẠI PHÙ HIỆU
– ĐỀ NGHỊ XÁC NHẬN TÌNH TRẠNG CỦA XE Ô TÔ THAM GIA KINH DOANH VẬN TẢI
Trên đây là các thông tin liên quan đến Hồ sơ, thủ tục xin cấp phù hiệu xe nội bộ. Thủ tục này khác phức tạp vì thế nếu có bất kì vấn đề nào muốn được giải đáp hãy liên hệ với Pháp Lý Xe để được giải đáp nhé!
Thông tin liên hệ:
Địa chỉ: 39 Hoàng Việt, Phường 04, Quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh
Mail: phaplyxe.vn@gmail.com