Xe ôm công nghệ bị tước bằng lái phải làm sao?

Nhiều người làm xe ôm công nghệ bị tước bằng lái xe do vi phạm lỗi giao thông (thời hạn tước bằng lái có thể lên tới 2 năm). Trong thời gian tước bằng, xe ôm công nghệ có thể thi lại lấy bằng lái xe khác để hành nghề không?

Luật sư Nguyễn Thu Trang (Văn phòng Luật sư Hưng Đạo Thăng Long) cho biết, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực thi hành từ 1.1.2025 quy định về trừ điểm giấy phép lái xe.

Theo đó, điểm của giấy phép lái xe dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người lái xe trên hệ thống cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bao gồm 12 điểm.

Số điểm trừ mỗi lần vi phạm tùy tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Dữ liệu về điểm trừ giấy phép lái xe của người vi phạm sẽ được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành và thông báo cho người bị trừ điểm giấy phép lái xe biết.

Giấy phép lái xe được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày bị trừ điểm gần nhất.

Trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm thì người có giấy phép lái xe không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo loại giấy phép lái xe đó.

Tuy nhiên, theo quy định hiện hành vẫn chưa áp dụng điều khoản này. Điều này đồng nghĩa với việc hình phạt bổ sung các lỗi vi phạm giao thông vẫn là tước bằng lái xe. Thời hạn bị tước bằng có thể lên tới 2 năm.

Về việc thi lại giấy phép lái xe, khoản 1, Điều 25, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định như sau: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn.

Theo đó, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn là hình thức xử phạt được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng các hoạt động được ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, cá nhân, tổ chức không được tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề…

Khoản 5, Điều 81, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP cũng quy định:

Trường hợp người có hành vi vi phạm bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề nhưng thời hạn sử dụng còn lại của giấy phép, chứng chỉ hành nghề đó ít hơn thời hạn bị tước thì người có thẩm quyền vẫn ra quyết định xử phạt có áp dụng hình thức tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo quy định đối với hành vi vi phạm. Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, cá nhân, tổ chức không được làm thủ tục cấp đổi, cấp mới giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

Điểm g, khoản 3, Điều 37, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, quy định xử phạt các hành vi vi phạm quy định về đào tạo, sát hạch lái xe:

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Cá nhân khai báo không đúng sự thật hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để được học, kiểm tra, sát hạch cấp mới, cấp lại Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ;

Những trường hợp cố tình khai báo sai hoặc sử dụng giấy tờ, tài liệu giả để tham gia học, thi sát hạch và cấp lại Giấy phép lái xe sẽ bị tước giấy tờ và phạt tiền từ 3-5 triệu đồng.

Như vậy, phải đến 1.1.2025 mới áp dụng quy định trừ điểm giấy phép lái xe. Hiện tại, pháp luật chỉ quy định hình phạt tước giấy phép lái xe.

Trong thời gian bị tước giấy phép lái xe, để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt vi phạm giao thông, người vi phạm sẽ không được thi lại để cấp giấy phép lái xe.

(Nguồn: laodong.vn)

Bài viết liên quan