Kinhtedothi – Khung giá dịch vụ trông giữ xe của Hà Nội đã được áp dụng từ năm 2018 theo Quyết định số 44/2017/QĐ-UBND ban hành ngày 15/12/2017; sau nhiều năm đã cho thấy sự bất cập, không còn phù hợp với hoàn cảnh hiện nay.
Quan trọng hơn nữa, khung giá dịch vụ thấp đang khiến các dự án giao thông tĩnh kém hấp dẫn, nếu không tăng sẽ khó thu hút nhà đầu tư.
Bất cập thấy rõ
Quyết định số 44/2017/QĐ-UBND (Quyết định số 44) của UBND TP Hà Nội quy định khá chi tiết về khung giá dịch vụ trông giữ cả đối với ô tô và xe máy, xe đạp, trong khu vực nội thành cũng như ngoại thành.
Theo đó, giá trông giữ xe máy thấp nhất là 5.000 đồng/lượt/ngày, cao nhất là 12.000 đồng/lượt/ngày đêm trong khu vực nội thành. Với các điểm trông giữ ở ngoại thành, giá chỉ từ 2.000 – 4.000 đồng/lượt.
Giá trông giữ ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống, tính theo từng khu vực từ 15.000 – 30.000 đồng/lượt (60 phút). Trông giữ xe theo tháng khu vực từ Vành đai 3 trở vào có giá từ 1.800.000 – 4.000.000 đồng/xe/tháng; ngoài Vành đai 3 từ 500.000 – 900.000 đồng/xe/tháng.
Nhiều ý kiến cho rằng mức giá trông giữ xe này đã không còn phù hợp với bối cảnh hiện tại, đặc biệt là giá theo lượt và đối với xe máy. Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Trịnh Hoàng Tùng cho biết, tổng hợp ý kiến từ các DN cho thấy mức thu phí 5.000 – 8.000 đồng/xe máy hiện nay là thấp.
Đặc biệt, nếu muốn DN đầu tư công nghệ, thiết bị để trông giữ xe không dùng tiền mặt TP nên điều chỉnh mức giá đối với xe máy tại Quyết định số 44.
Đồng quan điểm, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội Nguyễn Thị Thúy Hương cho rằng, cần nghiên cứu điều chỉnh mức giá phí tại Quyết định số 44.
“So với năm 2018, hầu hết mọi dịch vụ trong xã hội đều đã có sự gia tăng. Từ đó tới nay công ty đã 4 lần tăng lương cho nhân viên nhưng giá trông giữ xe vẫn phải áp dụng theo mức cũ. Nếu muốn đơn vị có nguồn lực đầu tư công nghệ, chuyển đổi số trong trông giữ phương tiện TP có thể xem xét điều chỉnh tăng giá trông giữ xe cho phù hợp với hiện tại” – bà Nguyễn Thị Thúy Hương nói.
Thực vậy, so với năm 2018 – thời điểm ban hành khung giá dịch vụ trông giữ xe trên địa bàn Hà Nội, kinh tế – xã hội đã có nhiều thay đổi, vật giá biến động theo xu hướng gia tăng. Ví dụ như 6 năm trước, rửa xe ô tô chỉ 30.000 – 40.000 đồng/xe, nay dịch vụ này có giá phổ biến từ 50.000 – 80.000 đồng/xe. Một suất ăn thông thường cũng đã tăng thêm từ 5.000 – 10.000 đồng.
Điều đáng nói là khung giá dịch vụ trông giữ xe hiện chỉ áp dụng được cho các điểm trông giữ xe được cấp phép, có kiểm soát và quản lý chặt chẽ. Trên thực tế, giá trông giữ xe tại các bãi “lậu” trên đường phố, trong khu dân cư đã tự động tăng từ lâu.
Giá trông giữ xe theo lượt tại nhiều điểm không phép phổ biến ở mức 50.000 đồng/lượt, trông theo tháng tùy theo có mái che hoặc không cao hơn khung quy định từ 10 – 30%. Thậm chí ngày lễ tết, hay tại các điểm tham quan, du lịch, trung tâm thương mại, giá trông giữ xe tự phát còn cao gấp 2 – 3 lần quy định.
Thạc sĩ Quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương nhận định: “Việc ban hành khung giá trông giữ xe chung cho TP là cần thiết, nhưng không điều chỉnh sau nhiều năm lại cho thấy sự bất cập. Vật giá nói chung đã tăng, nếu vẫn áp dụng đúng khung giá cũ, các đơn vị trông giữ sẽ rất thiệt thòi, đặc biệt là đơn vị làm ăn chân chính”.
Một mũi tên hướng đến nhiều đích
Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Lê Trung Hiếu phân tích, nhiều năm qua các dự án giao thông tĩnh của Hà Nội rất khó khăn tìm kiếm nhà đầu tư. Một trong những nguyên nhân chính là giá dịch vụ trông giữ xe thấp trong khi suất đầu tư lớn. Với một bãi đỗ xe ngầm hoặc nổi, phải đầu tư vài trăm đến cả nghìn tỷ đồng, nếu chỉ thu được vài trăm triệu một tháng thì phải mất vài thập kỷ mới hòa vốn.
“Tỷ suất sinh lời như vậy đương nhiên sẽ làm các nhà đầu tư ngã lòng. Hệ quả là dự án nằm trên giấy, đất đai quy hoạch cho giao thông tĩnh biến thành bãi lậu, điểm trông xe tự phát sinh lời cho cá nhân, mặc hậu quả cho TP gánh chịu” – ông Lê Trung Hiếu nói.
Nhiều chuyên gia còn cho rằng, tăng giá dịch vụ trông giữ xe là một biện pháp “mềm” nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, đặc biệt với khu vực nội đô. Ở Nhật Bản, một số khu vực trong nội đô có giá trông giữ ô tô là khoảng 10 USD/30 phút, cao gấp gần 10 lần so với Hà Nội. Chính vì vậy nhiều người dân lựa chọn tàu điện, xe buýt, taxi để di chuyển vào trung tâm TP, giúp giảm tải hữu hiệu cho hạ tầng giao thông.
Hơn nữa, tăng giá trông giữ xe đồng nghĩa với việc tăng thu ngân sách, giúp TP có thêm nguồn lực tái đầu tư cho hạ tầng. Ngay chính các công trình hạ tầng giao thông cũng chịu ảnh hưởng của trượt giá, phải tăng vốn, tăng mức đầu tư, nếu vẫn giữ nguyên mức thu các dịch vụ giao thông như cũ, chênh lệch giữa thu và chi sẽ ngày càng lớn, thâm hụt ngân sách càng cao.
Mặt khác, nhiều người dân cho rằng, họ sẵn sàng trả mức giá gửi xe theo lượt cao hơn trong khu vực nội đô Hà Nội. Nguyên nhân là do thiếu chỗ gửi xe hợp quy, hợp pháp, họ vẫn thường xuyên phải trả giá đắt hơn hẳn để gửi xe vào bãi lậu.
Anh Phạm Hoàng Anh (xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai) nói: “Mỗi khi có việc ra trung tâm, tôi thường phải gửi xe vào bãi lậu với giá cao gấp 2, 3 lần quy định của TP. Thiếu chỗ đỗ thì giá cao hơn cũng lẽ thường, nhưng điều khó chấp nhận nhất là tiền đấy TP không được hưởng mà tư nhân hưởng. Có rủi ro thì không biết tìm ai chịu trách nhiệm”.
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Trần Hữu Bảo cho biết, mới đây, Sở có văn bản đề nghị Sở Tài chính, Cục Thuế Hà Nội và UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, đánh giá công tác thu phí sử dụng tạm thời lòng đường hè phố và giá dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, xe ô tô theo Quyết định số 44/2017/QĐ-UBND.
“Đây sẽ là cơ sở để báo cáo, đề xuất TP điều chỉnh giá dịch vụ phù hợp hơn với tình hình kinh tế hiện nay; đồng thời tạo điều kiện cho DN đầu tư trang thiết bị, nhân lực ứng dụng giải pháp công nghệ để tìm kiếm và thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe không dùng tiền mặt” – ông Trần Hữu Bảo nói. Đó cũng là mong muốn của người dân Hà Nội cũng như các DN trong lĩnh vực trông giữ xe.
(nguồn: kinhtedothi.vn)