Hiện nay, số học sinh THPT tại TP.HCM điều khiển xe máy và vi phạm các quy định khi tham gia giao thông khá phổ biến, từ đó tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT. Các ngành chức năng cần tăng cường quản lý và tuyên truyền cho các em.
Mới đây, Ủy ban ATGT QG phối hợp cùng Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy, ô tô Việt Nam và các sở, ban, ngành liên quan của Thành phố tổ chức thí điểm chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng điều khiển xe gắn máy an toàn cho học sinh trung học phổ thông.
Theo đó, 200 em học sinh đến từ Trường THPT Dương Văn Thì và Trường THPT Nguyễn Huệ, TP. Thủ Đức đã được phổ biến kiến thức, các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
Sau 2 ngày tham gia chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng điều khiển xe máy an toàn, em Lê Trọng Nhân – học sinh lớp 11A8, Trường THPT Nguyễn Huệ, TP. Thủ Đức chia sẻ:
“Con thấy là chương trình hôm nay rất bổ ích, giúp tụi con bổ sung thêm kiến thức và cũng như giúp tụi con một phần nào an tâm hơn, tự tin hơn khi lái xe. Qua chương trình này, con cũng mong muốn là chương trình sẽ được nhân rộng ra nhiều địa phương cũng như các trường xung quanh đây”.
Để các em học sinh dễ nhớ, dễ hiểu các nội dung tuyên truyền, Trung tá Phạm Thị Kim Tuyến – Phó Đội trưởng đội tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm giao thông, Phòng (PC08) Công an TP.HCM cho biết thông qua chiến sĩ CSGT cũng đặt ra nhiều câu hỏi, tình huống thực tế giúp các em có thể hỏi đáp, trao đổi thắc mắc cũng như hướng dẫn các em nhận dạng, hiểu biết ý nghĩa của hệ thống biển báo hiệu giao thông hiện nay:
“Đây là chương trình thí điểm, phía Phòng Cảnh sát giao thông luôn tích cực phối hợp để mang lại ý nghĩa thiết thực và có những chuyển biến về nhận thức, ý thức của các em trong thời gian sắp tới. Chương trình đào tạo cung cấp cho các em những kiến thức cơ bản, sơ đẳng nhất về luật giao thông, giúp các em trang bị hành trang cần thiết để tự điều chỉnh hành vi của mình.
Qua đây các em sẽ trở thành những cổ động viên tuyên truyền nhỏ tuổi nhất, tích cực phổ biến các quy định của pháp luật và có thể tham gia giao thông an toàn với các loại phương tiện được phép điều khiển”.
Khi được hỏi hàng ngày đi đến trường bằng phương tiện gì, em Lê Ngọc Uyển Nhi – học sinh lớp 11A9, Trường THPT Nguyễn Huệ, TP. Thủ Đức chia sẻ:
“Bình thường thì con đi bằng xe đạp điện. Qua lớp học đào tạo 2 ngày qua, chương trình đã giúp con biết nhiều hơn về luật an toàn giao thông và cách di chuyển trên đường sao cho an toàn. Và con cũng biết là con được điều khiển xe gắn máy dưới 50 phân khối và xe đạp điện. Hy vọng là chương trình này sẽ được nhân rộng hơn để các bạn đều được phổ cập về vấn đề an toàn giao thông”.
Thông qua chương trình, các em học sinh còn được hướng dẫn kỹ năng kiểm tra xe, ngồi và lái xe an toàn, có những trải nghiệm thú vị khi thực hành lái xe thực tế trên sa hình A1, xử lý các tình huống, sự cố bất ngờ, nguy hiểm. Ông Đại Tài Công – Đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy, ô tô Việt Nam cho biết:
“Chúng ta thấy rằng hiện tại, các em đủ 16 tuổi có quyền sử dụng các xe máy dưới 50 phân khối để tham gia giao thông như những người khác, nhưng các em lại không được hướng dẫn về luật và cách tham gia giao thông an toàn.
Việc học luật giao thông đôi khi chỉ là sự hướng dẫn của bố mẹ hoặc theo kinh nghiệm, nên rất nhiều em chưa tham gia giao thông đúng cách và đúng luật. Điều này không những ảnh hưởng đến chính các em mà còn ảnh hưởng đến cả những người tham gia giao thông khác”.
Từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng Cảnh sát giao thông thành phố đã kiểm tra, xử lý hơn 4.163 trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh.
Trong đó, có hơn 1.248 trường hợp giao xe cho người không đủ tuổi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, xử lý hơn 2.331 trường hợp điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi.
Ông Nguyễn Thành Lợi – Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông thành phố Hồ Chí Minh, cho biết trong số các trường hợp vi phạm trên, tập trung chủ yếu là học sinh trung học phổ thông. Vì vậy, những chương trình như thế này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giúp các em có thêm kiến thức về pháp luật giao thông và kỹ năng điều khiển xe máy an toàn:
“Đợt thí điểm này, trước hết, là một hoạt động rất ý nghĩa nhằm mang lại sự an toàn cho các em học sinh ở lứa tuổi trung học phổ thông bằng việc trang bị kiến thức về pháp luật, hướng dẫn cho các em kỹ năng điều khiển phương tiện và đặc biệt là cho các em trải nghiệm thực tế việc điều khiển phương tiện.
Qua đó, nhận thấy rằng các bạn học sinh lứa tuổi trung học phổ thông tham gia vào thí điểm này rất hào hứng, và qua kiểm tra, đánh giá của các huấn luyện viên, trực tiếp huấn luyện cho các em, ghi nhận rằng các em đã có những nhận thức được nâng lên và có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức cũng như trong thực hành các kỹ năng về an toàn giao thông.
Thứ hai, kết quả của đợt thí điểm này sẽ là căn cứ và cơ sở để các cơ quan chức năng, chuyên môn và cơ quan có thẩm quyền kiến nghị điều chỉnh, bổ sung một số nội dung quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép điều khiển phương tiện xe gắn máy.
Hiện nay, theo quy định hiện hành, các em đủ 16 tuổi sẽ được điều khiển phương tiện dưới 50 phân khối và điều khiển xe máy điện. Tuy nhiên, việc tổ chức đào tạo hoặc yêu cầu người điều khiển loại phương tiện này phải trải qua đào tạo sát hạch hoặc được cấp chứng chỉ hay giấy phép cụ thể vẫn chưa có quy định cụ thể.
Đây cũng có thể là một hoạt động thu thập những cứ liệu khoa học và thực tiễn để phục vụ cho việc ban hành các quy định an toàn trong thời gian sắp tới”.
(nguồn: vovgiaothong.vn)