Xảy ra tai nạn giao thông liên hoàn, ai sẽ chịu trách nhiệm?

Thời gian gần đây, nhiều vụ tai nạn giao thông liên hoàn (dồn toa) xảy ra khiến nhiều phương tiện bị hư hỏng. Theo quy định, người điều khiển phương tiện phải giữ khoảng cách an toàn đối với xe chạy phía trước xe của mình, xe có lỗi phía sau sẽ phải bồi thường cho xe phía trước.

Xảy ra tai nạn giao thông liên hoàn, ai sẽ chịu trách nhiệm?

Khoảng 11 giờ 50 ngày 5.3 vừa qua, tại Tỉnh lộ 429B (đoạn qua thôn Thanh Sam, xã Trường Thịnh, huyện Ứng Hòa, Hà Nội), 1 vụ tai nạn giao thông đã xảy ra giữa 3 ôtô bị đâm dồn toa khiến 1 xe ôtô 5 chỗ biến dạng.

Trước đó, vào khoảng 10 giờ 15 ngày 26.1, tại đường Lê Quang Đạo (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), vụ tai nạn giao thông liên hoàn “dồn toa” khiến 6 xe ôtô bị hư hỏng nặng…

Theo quy định của pháp luật, người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông đường bộ cần phải tuân thủ một nguyên tắc chung cơ bản là giữ khoảng cách an toàn và tốc độ đối với xe đi phía trước.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, luật sư Vũ Văn Toàn – Công ty Luật Tản Viên Sơn, Đoàn Luật sư Hà Nội – cho rằng, việc duy trì khoảng cách an toàn khi tham gia giao thông đã được cụ thể hóa tại Điều 12 Luật Giao thông đường bộ năm 2008; Thông tư 31/2019/TT-BGTVT cũng quy định rõ người điều khiển xe phải “giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình”, đặc biệt là những nơi có biển báo “Cự ly tối thiểu giữa hai xe” phải giữ khoảng cách không nhỏ hơn trị số ghi trên biển báo.

Điều 4 Thông tư 31/2019/TT-BGTVT quy định khi tham gia giao thông đường bộ, các phương tiện xe cơ giới phải chấp hành quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn tối thiểu giữa hai xe được ghi trên biển báo hiệu đường bộ. Theo đó, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải điều khiển xe chạy với tốc độ phù hợp điều kiện của cầu, đường, mật độ giao thông, địa hình, thời tiết và các yếu tố ảnh hưởng khác để bảo đảm an toàn giao thông.

Ngoài ra, người điều khiển phương tiện giao thông phải phán đoán trước tình hình thực tế và giảm tốc độ xe để đảm bảo an toàn. Khi giảm tốc trong các trường hợp trên mà xe phía sau có va chạm thì lỗi không thuộc về phía xe giảm tốc mà lỗi do xe phía sau không đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, tất cả xe phải giữ khoảng cách an toàn khi tham gia giao thông. Nếu xảy ra va chạm từ phía sau thì những xe phía sau sẽ có lỗi, khi đó xe sau sẽ đền cho xe trước và cứ thế đến xe đầu tiên.

Trường hợp các xe đã dừng đúng quy định mà xe sau đâm đẩy các xe va chạm vào nhau thì những xe ở giữa không có lỗi vì việc xảy ra va chạm do tác động của xe phía sau, do đó, chủ xe ở giữa không phải bồi thường thiệt hại cho xe mình đâm vào và xe có lỗi sẽ phải bồi thường cho tất cả xe phía trước.

Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt người điều khiển xe ôtô và các loại xe tương tự xe ôtô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, trong đó có hành vi điều khiển xe ôtô không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe gây tai nạn giao thông sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng…

(Nguồn laodong.vn)

Bài viết liên quan