Trước khi có quy định này, giáo viên thực hành phải có bằng trung cấp một nghề nào đó, hoặc chứng chỉ kỹ năng nghề sửa chữa ô tô.
Thông tư số 05/2024/TT-BLĐTBXH, có hiệu lực từ ngày 25-6-2024, lần đầu tiên quy định tiêu chuẩn kỹ năng nghề của giáo viên thực hành lái ô tô. Có riêng hẳn một mục so với những nhà giáo dạy trình độ sơ cấp các nghề còn lại.
Theo quy định mới, “Chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy trình độ sơ cấp” của giáo viên thực hành gồm các thành phần 2, 3, 4 như hình dưới đây. Đó cũng chính là 3/4 “điều kiện giáo viên dạy thực hành” lái ô tô tại nghị định số 65/2016/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1-7-2016.
Từ đây, có thể thấy rằng quy định của thông tư số 05/2024/TT-BLĐTBXH có nghĩa là (2 + 3 + 4) = chứng chỉ kỹ năng nghề = 1, nên điều kiện đầu tiên của nghị định số 65/2016/NĐ-CP sẽ không còn cần thiết nữa.
Trước khi có quy định này, giáo viên thực hành phải có bằng trung cấp một nghề nào đó, hoặc chứng chỉ kỹ năng nghề sửa chữa ô tô.
Yêu cầu này thực ra không phù hợp với giáo dục nghề nghiệp, bởi từ trước đến nay, không có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên, chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia hay chứng nhận nghệ nhân nào tương thích để giảng dạy thực hành lái ô tô.
Như vậy, dù không mới, nhưng quy định mới đã giải quyết được một bất cập pháp lý về trình độ đào tạo của giáo viên thực hành so với trước đây. Tuy nhiên chưa hẳn là đã hợp lý.
Không đảm bảo trình độ của giáo viên thực hành lái ô tô
Thông thường, giáo viên phải có trình độ cao hơn người tốt nghiệp môn học mình giảng dạy. Đây là sợi chỉ xuyên suốt trong giáo dục nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn về chứng chỉ kỹ năng nghề của giáo viên thực hành lại không giúp đảm bảo được điều này.
Ví dụ, một người đạt giấy phép lái xe hạng B2 nhưng 3 năm sau đó không hề lái xe, theo quy định vẫn sẽ đủ tiêu chuẩn kỹ năng để dạy thực hành lái xe hạng B2. Trong khi thời gian giữ giấy phép lái xe này không những không phát triển được mà còn làm mai một đi kỹ năng thực hành đã học.
Hay một người đạt giấy phép lái xe hạng D nhưng trong 5 năm tiếp theo chỉ lái xe hạng B2 thì cũng khó có thể cho là có đủ kỹ năng cần thiết để dạy thực hành hạng D.
Dĩ nhiên, trong quy định không có sự xác định hay phân biệt nào giữa người làm việc đầy đủ, đúng hạng giấy phép lái xe của mình với hai trường hợp trên.
Chương trình tập huấn về nghiệp vụ giáo viên dạy thực hành lái ô tô diễn ra trong 10 ngày, “nhằm trang bị cho giáo viên hiểu biết về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trang bị kiến thức cơ bản về phương pháp sư phạm, phương pháp hướng dẫn thực hành lái xe, phương pháp bảo hiểm tay lái trong dạy thực hành lái xe”.
Các nội dung kiểm tra kết thúc tập huấn về thực hành lái xe là các bài sát hạch trong hình, tại trung tâm sát hạch lái xe. Nghĩa là giống như sát hạch cấp giấy phép lái xe.
Như vậy, sau khi hoàn thành khóa tập huấn, có thể cho rằng giáo viên thực hành lái ô tô cũng không phát triển thêm được kỹ năng thực hành lái xe so với người vừa có giấy phép lái xe.
Từ đây, có thể khẳng định rằng quy định mới không đảm bảo được giáo viên thực hành lái ô tô có kỹ năng nghề cao hơn trình độ mà họ sẽ giảng dạy. Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe này có lẽ nên thuộc về trình độ nghiệp vụ sư phạm của nhà giáo hơn là trình độ đào tạo.
Cần có tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia
Chất lượng thường được đánh giá và cải thiện, nâng cao dựa trên các tiêu chuẩn quốc gia cũng như quốc tế. Đảm bảo chất lượng giáo dục đã và đang là xu hướng không thể thay đổi ở mọi trình độ đào tạo.
Để có thể đảm bảo chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe, từ đó góp phần đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ, ít nhất cần phải xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia mà hiện nay chưa có.
Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia về lái ô tô hoặc tiêu chuẩn quốc gia về đào tạo, sát hạch lái ô tô sẽ quy định cụ thể những yêu cầu tối thiểu về kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ và trách nhiệm để có những người lái xe an toàn trên mọi nẻo đường.
Tương tự, tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia hoặc tiêu chuẩn quốc gia về giáo viên dạy lái ô tô sẽ quy định cụ thể những yêu cầu tối thiểu về năng lực cần có của giáo viên. Đảm bảo chất lượng giáo viên là yếu tố tiên quyết để đảm bảo chất lượng đào tạo.
Nếu có chương trình đào tạo tiên tiến, trang thiết bị và cơ sở vật chất hiện đại mà năng lực giáo viên thấp thì không thể có chất lượng tốt. Ngược lại, giáo viên giỏi sẽ khắc phục được những nhược điểm của chương trình đào tạo, cũng như thiếu thốn của trang thiết bị và cơ sở vật chất.
(Nguồn: tuoitre.vn)